Chuyển tới nội dung

Doanh nghiệp Việt cần quan tâm đến quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt EVFTA

EVFTA là một hiệp định thương mại toàn diện, chất lượng cao, mang lại nhiều lợi ích to lớn và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.

Qua 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt đã bắt đầu thể hiện tính tích cực hơn và những lợi ích FTA này đem lại cũng rõ rệt hơn. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng xuất khẩu được cấp C/O theo tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,84 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số khá tích cực và các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tận dụng được những ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh những kết quả khả quan, vẫn tồn tại một số vướng mắc trong thực thi quy tắc xuất xứ. Nhận định về vấn đề này, bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ: Khi các cam kết hiệp định được ký kết thì đều được luật hóa tại các văn bản pháp quy rất cụ thể, song có thể do mới thực hiện triển khai, doanh nghiệp chưa được tiếp cận, nên nhiều khi cũng không đáp ứng được đúng các quy định.

Bà Bình lấy dẫn chứng, trong lĩnh vực hải quan, doanh nghiệp cần xác định xem trường hợp hàng hóa, ví dụ là hàng hóa nhập khẩu thì hàng hóa đấy có thuộc trường hợp, đối tượng cần phải nộp chứng từ chữ cho hải quan hay không. Một trong những trường hợp phải nộp đó là doanh nghiệp muốn được áp dụng mức thuế ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do.

Doanh nghiệp cần lưu ý là thông tin về xuất xứ hàng hóa là thông tin bắt buộc khai báo trên tờ khai xuất khẩu, mặc dù không phải nộp chứng từ này cho hải quan nhưng đó là thông tin bắt buộc.

xk-thuy-san

Doanh nghiệp Việt cần quan tâm đến quy tắc xuất xứ khi thực hiện Hiệp định EVFTA.

Liên quan đến thực thi EVFTA, lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam phải lưu ý một số nguyên tắc:

Nguyên tắc không phân biệt đối xử, theo đó các quốc gia thành viên Hiệp định EVFTA phải đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của các quốc gia thành viên như nhau trong việc áp dụng Luật cạnh tranh quốc gia.

Các nước thành viên phải đề cao nguyên tắc trung lập về cạnh tranh trong đối xử giữa các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền của nhà nước với các doanh nghiệp có vốn ngoài nhà nước.

Nguyên tắc minh bạch, đây là nguyên tắc quan trọng trong các FTAs nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng. Hiệp định EVFTA khuyến khích các quốc gia càng minh bạch trong thực thi chính sách cạnh tranh càng tốt. Các quốc gia thành viên có quyền yêu cầu quốc gia thành viên khác cung cấp các thông tin như: Chính sách và hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh; các trường hợp miễn trừ và loại trừ áp dụng pháp luật cạnh tranh quốc gia, với điều kiên yêu cầu ghi rõ thị trường và hàng hóa có dịch vụ có liên quan và các thông tin cho thấy việc miễn trừ, loại trừ đó có tác động đến đầu tư và thương mại giữa các bên như thế nào.

Nguyên tắc áp dụng công bằng trong thủ tục tố tụng cạnh tranh. Theo đó, Luật Cạnh tranh hiện hành của Việt Nam điều chỉnh các hoạt động mà không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, nếu doanh nghiệp đó bị thiệt hại do hành vi phản cạnh tranh của doanh nghiệp khác thì được quyền bảo vệ và nếu vi phạm thì bị điều tra và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh.

Nhằm đảm bảo hoạt động trong môi trường cạnh tranh hiệu quả, ngăn ngừa các hành vi phản cạnh tranh có khả năng làm sai lệch sự vận hành đúng đắn của thị trường hoặc làm giảm lợi ích trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý một số điểm như:

Doanh nghiệp Việt cần chủ động, tăng cường tìm hiểu các cam kết về chính sách cạnh tranh trong EVFTA thông qua các hình thức như thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử https://fta.moit.gov.vn/, các hội thảo, hội nghị, tập huấn và đào tạo hướng dẫn doanh nghiệp của cơ quan nhà nước; từ đó nâng cao hiểu biết, nắm rõ các nội dung, tuân thủ và thực thi các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA;

Cần nắm rõ quy định về chính sách và pháp luật cạnh tranh các nước thành viên EVFTA trong quá trình hoạt động thương mại, đầu tư trong khuôn khổ hiệp định; điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý có thể gặp phải liên quan tới vấn đề pháp luật cạnh tranh, chống độc quyền khi tham gia hoạt động thương mại trong khuôn khổ EVFTA. Cần chủ động khai thác cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư theo Hiệp định; thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cạnh tranh về giá hàng hóa, dịch vụ, tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường EU.

Ngọc Tân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved