Xu hướng thực phẩm giản tiện, sản phẩm tốt cho sức khoẻ, xu hướng bảo vệ môi trường và mô hình quản trị ESG trong quy trình sản xuất là 4 xu hướng tiêu dùng đang rất rõ nét tại thị trường Hàn Quốc mà doanh nghiệp Việt cần lưu ý.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, thực phẩm chế biến chiếm tỷ trọng khá cao trong nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Năm 2022, quốc gia này nhập khẩu 40 tỷ USD sản phẩm nông, thủy sản, tuy nhiên Việt Nam mới chiếm dưới 3% thị phần, đạt 1,4 tỷ USD, do vậy còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu mặt hàng này.
Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt cần lưu ý 4 xu hướng tiêu dùng đang rất rõ nét tại thị trường Hàn Quốc. Trong đó, xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc, nhất là 5 năm trở lại đây.
Cùng với đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic. Với dòng sản phẩm này, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến cáo, doanh nghiệp nên tập trung vào phân khúc sản phẩm dành cho người già và trẻ em. Đây tuy không phải phân khúc có đối tượng tiêu thụ lớn nhưng là thị trường tiềm năng.
Xu hướng bảo vệ môi trường rất rõ rệt với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch. Trước đây sản phẩm tiêu thụ trên thị trường Hàn Quốc được thiết kế cầu kỳ nhưng hiện nay sản phẩm thậm chí không cần nhãn mác. Bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt.
Tiếp đó là mô hình quản trị ESG trong quy trình sản xuất. Xu hướng này bao gồm: Bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn; các vấn đề về xã hội như đời sống và môi trường làm việc của người lao động. Đây là những yếu tố doanh nghiệp Hàn Quốc chú ý trong xem xét nhập khẩu sản phẩm.
Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc, sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài. Do đó, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến cáo, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại thị trường Hàn Quốc. Cùng với nắm rõ xu hướng tiêu dùng, việc hiểu và chọn kênh phân phối phù hợp cũng là điều kiện cần thiết để đưa hàng hóa thâm nhập vào thị trường.
Liên quan đến tiềm năng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt, theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhu cầu các thị trường lớn châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng trở lại, cơ hội xuất khẩu là rất lớn, nhưng kèm theo sức cạnh tranh, các tiêu chuẩn kỹ thuật, việc rà soát của các thị trường cao hơn. Do vậy, đảm bảo thực thi các tiêu chuẩn trong các Hiệp định FTAs sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
“Chúng ta có hiệp định thương mại tự do và các thuế đối với sản phẩm chế biến cũng cơ bản được loại bỏ 0% hoặc đang giảm rất nhanh theo lộ trình. Chính vì thế đây là khu vực mang lại lợi thế của xuất khẩu Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), đánh giá.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có FTA mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng kịp ngạch nhập khẩu của các trường này. Trong đó, hơn 1/3 lượng hàng hóa mới tận dụng được ưu đãi hưởng thuế và xuất xứ hàng hóa. Do vậy, còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị sang các thị trường tiềm năng.
Trước những thực tế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khuyến nghị Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nông sản trong nước cần nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp. Thông qua hệ thống thương vụ để phổ biến các quy cách, tiêu chuẩn hàng hoá, tập quán tiêu dùng, tiếp cận phương thức sản xuất mới phù hợp và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, duy trì, mở rộng thị trường truyền thống, mở rộng danh mục và quy mô hàng hóa và giá trị xuất khẩu. Cân bằng thương mại với những thị trường truyền thống. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, nhất là hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Hợp tác trong việc mua nguyên liệu để phục vụ cho ngành sản xuất trong nước. Đồng thời tìm kiếm phát triển thị trường mới, tiềm năng.
Tuấn Linh