Đây là một trong những nhận định được đưa ra tại Báo cáo thường niên “Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam”. Báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề như nông, lâm thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cán buôn và bán lẻ; giáo dục đào tạo…

Sẵn sàng chuyển đổi số

Năm 2021, nhận thức và hành động chuyển đổi số của doanh nghiệp còn chưa đậm nét thì đến năm 2022, những biến đổi sâu sắc của thế giới, những tác động bất lợi của kinh tế thế giới cùng những xu hướng mới xuất hiện đã khiến doanh nghiệp phải tăng tốc chuyển đổi số. Hơn bao giờ hết, kể cả doanh nghiệp SME đều nhận thức sâu sắc sự phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào chuyển đổi số.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp bắt kịp xu thế phát triển và tạo thêm nhiều giá trị mới

Năm 2022 có thể xem là năm doanh nghiệp đầu tư nhiều để ứng dụng công nghệ số, thích ứng và tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua. Theo bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư), nhiều nghiên cứu và bài học thực tiễn đã chứng minh những doanh nghiệp biết áp dụng công nghệ tiên tiến sớm hơn có cơ hội tạo ra những bước tiến lớn hơn, bắt kịp với xu hướng phát triển và tạo thêm nhiều giá trị mới, tạo khoảng cách ngày càng xa với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi.

Theo báo cáo, có gần 40% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp chuyển đổi số. Đây là kết quả khá tích cực so với năm 2021 và thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.

Theo các ngành nghề thì nông lâm nghiệp và thuỷ sản là lĩnh vực đứng đầu với mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao nhất. Tiếp đến là bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu và chuẩn hóa quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Lộ trình dài cần trợ lực

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp SME vẫn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch, chiến lược thực hiện chuyển đổi số một cách rõ ràng ngay từ đầu. Việc đầu tư chuyển đổi số vì thế chưa mang lại thành công như mong đợi ở nhiều doanh nghiệp. Nhận định này cũng thống nhất với quan điểm trước đó của các tổ chức, hiệp hội khảo sát và nhận thấy, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME còn lúng túng, chưa có lộ trình chuyển đôi số rõ ràng phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp,  từng ngành nghề.

 

Những khía cạnh có mức độ sắn sàng chuyển đổi số tốt nhất là định hướng và chiến lược, con người và tổ chức, trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh. Tuy nhiên, đi kèm với đó, quản trị rủi ro vẫn là điểm hạn chế của hầu hết các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề.

Mặt được luôn đi kèm với hạn chế nên các doanh nghiệp dù đã nâng cao nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số vẫn khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp của các bộ, ngành và doanh nghiệp tư vấn, cung cấp dịch vụ vẫn là thực sự cần thiết trong giai đoạn tiếp theo.

Hạnh Lê