Nhiều doanh nghiệp toàn cầu đang kỳ vọng doanh thu sẽ khởi sắc trở lại sau khi dịch cúm mới được kiểm soát

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã đưa ra cảnh báo dịch cúm SARS-CoV-2 có thể khiến các hãng vận tải toàn cầu mất gần 30 tỷ USD doanh thu do nhu cầu đi lại trên toàn cầu sẽ giảm 4,7%, mức giảm chung đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Tương tự, Maersk, công ty vận tải container lớn nhất thế giới cũng đưa ra thông báo rằng họ đã có một khởi đầu tệ hại trong năm nay khi chỉ hoạt động khoảng 50% đến 60% công suất do các nhà máy đối tác ở Trung Quốc dừng hoạt động do dịch cúm mới gây ra. Disney (DIS) cũng cảnh báo rằng thu nhập từ các công viên của họ ở Trung Quốc có thể giảm 280 triệu USD ngay trong quý đầu năm 2020.

Trong khi đó, Apple đầu tuần qua đã thông báo đến các nhà đầu tư về việc không đạt được mục tiêu doanh thu quý vì nguồn cung iPhone tạm thời bị hạn chế, cũng như việc giảm chi tiêu của người Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19.

Nhà sản xuất xe hơi Jaguar Land Rover cũng cho biết sẽ hết phụ tùng xe hơi cho các nhà máy ở Anh vào cuối tuần tới nếu SARS-CoV-2 tiếp tục gây ảnh hưởng đến việc xuất – nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát trên 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được thực hiện bởi hai trường đại học Trung Quốc cho thấy, 1/3 các doanh nghiệp sẽ cạn vốn trong vòng một tháng nếu tình hình không được cải thiện.

Làm thế nào để Trung Quốc nhanh chóng phục hồi sản xuất là câu hỏi được nhiều công ty toàn cầu quan tâm nhất vào lúc này. Đất nước này là “công xưởng” của thế giới khi góp phần tạo ra các sản phẩm như iPhone và thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ, du lịch, xe hơi khi có hàng trăm triệu người tiêu dùng giàu có sẵn sàng chi tiêu những khoản tiền lớn. Nền kinh tế Trung Quốc chiếm khoảng 4% GDP thế giới năm 2003; bây giờ con số này đã nâng lên 16%.

Chính vì vậy, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều hy vọng việc sản xuất tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh trở lại sau khi thời tiết ấm hơn và dịch bệnh được kiểm soát sẽ khiến nhu cầu tăng trở lại, mang đến nguồn doanh thu lớn trong quý II và quý III/2020.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, tình hình đang có nhiều diễn biến phức tạp và bầu không khí không chắc chắn vẫn sẽ bao trùm khi dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát ở nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Nếu dịch bệnh lan rộng hơn ở châu Á, GDP thế giới sẽ giảm 400 tỉ USD năm nay, tương đương 0,5%.

Thậm chí, nếu virus lan ra khỏi phạm vi châu Á và trở thành đại dịch toàn cầu sẽ dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ khi niềm tin của nhà đầu tư giảm liên tục. Điều này sẽ làm GDP thế giới sẽ giảm 1,1 nghìn tỉ USD, tương đương 1,3% so với dự báo hiện nay. Mức giảm 1,1 nghìn tỉ USD tương đương thế giới mất toàn bộ sản lượng hàng năm của Indonesia, nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới.

Trong ngắn hạn, nhu cầu trên toàn thế giới đang được giữ ở mức ổn định. Việc các biện pháp ngăn chặn dịch cúm lây lan đang được tiến hành bài bản khiến các công ty có lý do để lạc quan. Oxford Economics cho biết họ vẫn cho rằng tác động của virus sẽ giới hạn ở Trung Quốc. Sau đại dịch SARS năm 2003 và H1N1 năm 2009, các tổ chức y tế trên toàn thế giới và đặc biệt là nhiều quốc gia châu Á đã chuẩn bị tốt hơn trước để đối phó với dịch bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các quốc gia nhóm G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nhận định, mặc dù tỷ lệ virus Corona chủng mới lây lan ở mức đáng kể, nhưng tỷ lệ tử vong là khá nhỏ. Do đó, cần thêm ba hoặc bốn tuần nữa mới có thể đưa ra nhận định chính xác những tác động do dịch cúm mới đến nền kinh tế toàn cầu.

Chính vì vậy, để đối phó trong dài hạn, các nhà nghiên cứu đến từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã khuyến nghị, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp và các nhà đầu tư không hoảng sợ để tránh đưa ra những quyết định sai lầm vào thời điểm này.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn các biện pháp nếu tình hình dịch bệnh có nguy cơ kéo dài như dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu… tránh việc đình trệ hoạt động kéo dài.

Cẩm Anh