Ở giai đoạn hiện nay, khi những khó khăn phải đối mặt không khác gì thời COVID – 19 bùng phát mạnh, doanh nghiệp càng cần phải thay đổi và thích nghi.
Cộng đồng doanh nghiệp đang ở giai đoạn rất khó khăn, ngay cả với những ngành hàng xuất khẩu thế mạnh như thuỷ sản, nông sản… Sau COVID-19, doanh nghiệp chưa kịp tăng sức đề kháng thì lại vấp phải những thách thức khác do chi phí đầu vào tăng trong khi đầu ra lại không tăng tương xứng khiến doanh nghiệp vất vả chống đỡ.
Tình hình suy thoái ở các nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu cải thiện. TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế phân tích: kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, tốc độ tăng trưởng dự báo giảm sút ở nhiều quốc gia, thậm chí nền kinh tế lớn như Đức, tốc độ tăng trưởng âm (0,1%). Trong khi đó, Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất để chống lạm phát. Kinh tế thế giới trì trệ đã tác động đến xuất khẩu của Việt Nam và hoạt động của doanh nghiệp từ tháng cuối năm 2022 đến nay.
Là ngành xuất khẩu có kim ngạch đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm song theo Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Trần Như Tùng nhấn mạnh: khó khăn hiện nay không khác gì thời COVID-19 bùng phát mạnh do thị trường xuất khẩu chủ lực sụt giảm khiến đơn hàng giảm.
TS. Châu Đình Linh – chuyên gia tài chính, giảng viên đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh khái quát: tình hình kinh tế đang có những chuyển biến không thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ những khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng cao đến thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng… hoạt động của doanh nghiệp được “vận hành” trong trục trặc.
Để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều chính sách tài khoá và tiền tệ kịp thời. Trong đó, đáng chú ý là chính sách giảm lãi suất; giãn và cơ cấu nợ; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… Cộng đồng doanh nghiệp nhấn mạnh: sự kết hợp đồng bộ chính sách tài khoá và tiền tệ được ví như “liều vắc xin” hữu hiệu để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh sự trợ lực từ chính sách, cơ chế, theo TS. Châu Đình Linh, hơn lúc nào hết cần tinh thần vượt khó của doanh nghiệp. Thay vì trông chờ, phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cần chủ động thích nghi để hạn chế tác động xấu nhất hoặc trong những tác động rất xấu, lựa chọn những tác động ít xấu hơn.
Trước những thay đổi không thể đảo ngược được của thị trường, TS. Châu Đình Linh nhấn mạnh đến sự thích nghi, thích ứng của doanh nghiệp – yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Phân tích kỹ hơn, chuyên gia tài chính của đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết: số lượng doanh nghiệp của Việt Nam hiện có chưa phải là đông, trong đó, doanh nghiệp SME chiếm phần lớn nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế so với doanh nghiệp liên doanh hay doanh nghiệp FDI. Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt chủ yếu tập trung vào thương mại để khai thác thị trường gần 100 triệu dân trong nước, vốn mỏng. Do vậy, thị trường có biến động và khó khăn, môi trường kinh doanh bị tác động, sức chống chịu của doanh nghiệp kém.
Việc rút lui khỏi thị trường, giải thể, phá sản là hệ luỵ tất yếu từ sự phát triển của những doanh nghiệp thiếu chiến lược kinh doanh rõ ràng, không có khả năng huy động nguồn lực vốn để phát triển mô hình kinh doanh riêng hay không tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.
Ngoài yếu tố chủ quan, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua vẫn tồn tại một số bất cập là yếu tố khách quan chưa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp “không chịu lớn”. Trong khi thực tiễn yêu cầu và đòi hỏi doanh nghiệp SME phải lớn lên để sẵn sàng cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
Trong nguy có cơ, trong khó khăn có cơ hội phát triển bền vững. TS. Châu Đình Linh cho rằng, doanh nghiệp cần tự tăng sức đề kháng, người đứng đầu doanh nghiệp thay đổi về tư duy, chủ động tiếp cận cái mới để chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp hơn, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI để khai thác tốt hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động nhận diện cơ hội và thách thức, tiếp cận thị trường, chủ động nguồn lực tài chính, con người để thích ứng với bối cảnh mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng lợi thế trên thị trường.
Hạnh Lê