Phát biểu tại Chương trình Lễ công bố Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp Logistics với Giáo dục Nghề nghiệp tại Việt Nam (2021-2025)” và Hội thảo “Áp dụng mô hình giáo dục nghề nghiệp theo dẫn dắt của doanh nghiệp Logistics – định hướng cho Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, logistics với vai trò là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu như cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế trong việc tối ưu hóa chu trình lưu chuyển của sản xuất kinh doanh.

img-4099-enternews-1649908499

 

Xu hướng chuyển dịch mới

“Tại Việt Nam, logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân hỗ trợ kết nối và phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Theo Báo cáo Đánh giá Cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2019, ngành Logistics của Việt Nam đạt tốc độ phát triển bình quân 12%-14%/năm, đóng góp vào GDP từ 4%-5% và đang trên đà phát triển.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó đặt mục tiêu đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ Logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ Logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ Logistics đạt 50%-60%, chi phí Logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP. “Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực Logistics của Việt nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh của lĩnh vực trong đó phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Lãnh đạo Bộ LD-TB&XH đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của chính phủ Úc trong việc triển khai Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành Logistics với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hỗ trợ hoàn thiện chính sách đào tạo nghề nghiệp theo mô hình do doanh nghiệp dẫn dắt để trang bị cho người học những năng lực làm việc cần thiết trong lĩnh vực Logistics.

Trên thực tế, Úc có một hệ thống GDNN phát triển tốt, hiệu quả, được quốc tế công nhận, với mức độ tin cậy rất cao. Đặc biệt là, sự gắn kết, hợp tác của các doanh nghiệp với hệ thống GDNN vô cùng chặt chẽ, hệ thống khung trình độ quốc gia cũng được xây dựng tốt, cho phép có được mức độ tự chủ, sáng tạo và thích ứng cao.

“Úc còn có một ngành Logistics rất phát triển và là xương sống của nền kinh tế, được hỗ trợ bởi hoạt động phát triển kỹ năng bám sát yêu cầu của doanh nghiệp, đã tạo ra tăng trưởng kinh tế ổn định, nâng cao năng suất lao động”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Đồng thời tin tưởng với kinh nghiệm của Úc và những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác thời gian qua, Dự án sẽ đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động – một yếu tố quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2045 là trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao. Đồng thời, Dự án này cũng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa chính phủ hai nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung và ngành logistics nói riêng tại Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong khi đó, bà Bridget Collier, Quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam khẳng định, liên kết giáo dục giữa hai nước Việt Nam – Úc đã bắt đầu từ rất sớm. Úc rất vui mừng được chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục nghề nghiệp với Việt Nam.

Bà Bridget Collier nhấn mạnh: “Việc sử dụng công nghệ rộng rãi đã chuyển dịch nền kinh tế nói chung và các ngành nói riêng. Đòi hỏi các kỹ năng cao hơn phức tạp hơn ở người lao động”.

Doanh nghiệp dẫn dắt

Đặc biệt, khi Covid-19 gây tác động xấu tới việc làm, việc phục hồi kinh tế đã thúc đẩy một số xu hướng mới của thị trường lao động. Theo đó, lao động thể chất chuyển sang những công việc phức tạp, xu hướng chia sẻ công nghệ và dữ liệu, giúp nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm dịch vụ. “Điều này đòi hỏi quy hoạch lại thị trường lao động, đòi hỏi đào tạo lại nhân lực có chất lượng do doanh nghiệp dẫn dắt”, Quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam khẳng định.

Trong bốn năm qua, Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) đã đẩy mạnh việc gắn kết các doanh nghiệp logistics với GDNN ở Việt Nam, giúp bảo đảm kỹ năng của sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong ngành logistics.

Kể từ năm 2017, có hơn 5.300 sinh viên một số cơ sở GDNN được hưởng lợi từ chương trình Aus4Skill thông qua việc chất lương giảng dạy được nâng cao. Tỷ lệ nhập học vào các khóa liên quan đến ngành logistics của các cơ sở này đã tăng gấp 8 lần và sinh viên tốt nghiệp tại đây rất được các nhà tuyển dụng chào đón vì họ có thể làm việc ngay.

Dự án trị giá lên tới 13,8 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 246 tỷ đồng), bắt đầu vào năm 2021 và sẽ mở rộng thành công mô hình gắn kết nói trên trong hơn 4 năm (2021-2025). Dự án được thiết kế nhằm giúp Việt Nam nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động – một yếu tố thiết yếu để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2045 là trở thành một quốc gia có mức thu nhập cao. Hoạt động hỗ trợ này tập trung vào logistics, một ngành được Việt Nam ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, ngành này được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 8% – 10% tổng thu nhập quốc dân. Đây cũng là ngành mà Australia có rất nhiều kinh nghiệm.

Sự hỗ trợ của Australia thông qua chương trình Aus4Skills sẽ tập trung hợp tác với Tổng cục GDNN, Bộ LĐTBXH, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ sở GDNN và các doanh nghiệp đối tác.

Các hoạt động của Dự án sẽ tạo cơ hội phát triển chuyên môn cho giáo viên, các nhà quản lý, lãnh đạo GDNN, xây dựng khung đảm bảo chất lượng đào tạo và chương trình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp., với sự hỗ trợ và gắn kết chặt chẽ của doanh nghiệp. “Theo đó xác định lộ tình giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục xây dựng khung trình độ quốc gia của Việt Nam, tập trung vào học tập suốt đời, thông qua đó cung cấp nhân lực có chất lượng cao cho ngành logistics. Đào tạo đội ngũ chuyên gia, giảng viên về đào tạo nhân lực ngành logistics”, Quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam khẳng định.

Thy Hằng