Chuyển tới nội dung

Doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó trong những tháng cuối năm

Nhằm hạn chế tác động của lạm phát, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất trong nước đang phải tìm cách giữ ổn định sản xuất, xoay chuyển thị trường xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9 đạt 1,41 tỷ USD, giảm 21% so với tháng 8, nhưng tăng 56,5% so với tháng 9/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 734,8 triệu USD, giảm 17% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 71,5% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,6 tỷ USD, tăng 1,5%.

Thực tế, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang gặp khó và tiếp tục giảm tốc ở một số thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu (EU)…Cụ thể, tại Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành gỗ, chiếm hơn 55% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng trong 9 tháng đầu năm, tiếp tục diễn biến sụt giảm. Đây cũng là yếu tố chính khiến ngành gỗ dù ghi nhận tăng trưởng nhưng vẫn khó lạc quan trong các tháng còn lại của năm.

nganh-go-1644465241240155264675

Doanh nghiệp gỗ gặp khó trong những tháng cuối năm.

Liên quan đến thông tin trên, ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng do lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến tác động tăng trưởng xuất khẩu của ngành chế biến gỗ trong những tháng cuối năm 2022.

Chẳng hạn, bên cạnh Mỹ, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là các nước EU, cùng với tác động từ các cuộc xung đột khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu. Do đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ khó tăng mạnh như trước kia, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.

Ông Phùng Quốc Cường – Giám đốc Công ty TNHH Bảo Hưng, cho biết thời gian gần đây, công ty đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, hai thị trường này ít bị ảnh hưởng bởi biến động lạm phát kinh tế từ các quốc gia EU và Mỹ. Dù đây là giải pháp tình thế nhưng giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, nhà máy và giữ chân người lao động trong ngành chế biến gỗ.

Bên cạnh việc chuyển dịch sang Nhật Bản, Hàn Quốc thì Trung Quốc cũng là thị trường được các doanh nghiệp trong nước cố gắng khai thác dư địa tăng trưởng bởi là một trong 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và trong những năm gần đây luôn đứng ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 về kim ngạch.

Cũng liên quan đến hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm, trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo nhu cầu đối với nội thất gỗ, văn phòng sẽ không cao trong nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân là do thương mại toàn cầu đang bị đứt gãy, cộng thêm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina chưa có dấu hiệu chấm dứt, tình hình lạm phát tăng cao tại các thị trường lớn như Mỹ và EU. Đặc biệt, trong bối cảnh người dân ở nhiều thị trường nhập khẩu gỗ từ Việt Nam đang phải “thắt lưng buộc bụng”, mặt hàng đồ gỗ nội thất không phải là ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Tất cả các yếu tố nêu trên sẽ dẫn tới việc ngành gỗ gặp nhiều bất ổn và các doanh nghiệp sẽ tạm thời thu hẹp hoạt động, sản xuất.

Ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia của Tổ chức Forest Trends đưa ra giải pháp, để thích ứng, một số doanh nghiệp cần phải tìm cách dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường và lựa chọn giảm giá sản phẩm để kích cầu. Tuy nhiên, các biện pháp này được nhìn nhận chỉ có khả năng khắc phục tình hình trong ngắn hạn. Vì trong số 52 doanh nghiệp được hỏi, hơn 60% doanh nghiệp cho biết chỉ có khả năng cầm cự được tối đa 6 tháng. Ngược lại, có gần 1/4 số doanh nghiệp tham gia khảo sát có khả năng tiếp tục duy trì sản xuất trên 12 tháng.

Không chỉ gặp khó với thị trường xuất khẩu, thị trường gỗ nội địa cũng đang bị giảm doanh thu đáng kể. Các sản phẩm gỗ xuất khẩu hiện đã giảm 30%, doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm 1 nửa, thậm chí một vài doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.

Trước những thực trạng trên, một số chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ đang cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng ngân hàng Nhà nước với các chính sách như giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container… để doanh nghiệp ổn định sản xuất, tăng lượng đặt đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022.

Tuấn Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved