Ông Phan Thanh Lộc, Chủ tịch Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) chia sẻ về tiến trình thực hành ESG của doanh nghiệp tại Hội thảo “Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh”, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cùng với Cục Phát triển Doanh nghiệp tổ chức gần đây.

Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện ESG – phát triển bền vững.

Ông Phan Thanh Lộc cho biết, VNF bắt đầu ESG xuất phát từ chính thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp từ nhiều năm trước. Trước đây ước tính mỗi ngày doanh nghiệp thải ra môi trường khoảng 1 triệu kg đầu, vỏ tôm.

Do đó, trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, VNF đã xác định tập trung nghiên cứu và phát triển (R&D) với mục tiêu chế biến các phụ phẩm thành thức ăn cho người và cho chăn nuôi. “Nhờ đó, cảnh phụ phẩm phơi dọc các con đường ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm bớt”, ông Lộc nói.

Tuy nhiên, ông Phan Thanh Lộc đánh giá hiện có một thực tế “tréo ngoeo” khiến doanh nghiệp phải “cười ra nước mắt”. Đó là, trong khi doanh nghiệp phải chi hàng nghìn tỷ để đầu tư công nghệ, xử lý phụ phẩm để tiến tới đạt các tiêu chuẩn về ESG thì sản phẩm làm từ tôm thật lại được bán với giá cao hơn so với sản phẩm chế biến từ phụ phẩm.

“Như vậy, nếu không có cơ chế khuyến khích thì doanh nghiệp sẽ ngại tuân thủ các quy định về ESG”, ông Lộc đề xuất.

Tương tự như VNF, theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Điều hành Công ty Sản xuất – Thương mại Abavina, doanh nghiệp cũng đưa khái niệm “thuận thiên” vào các khâu sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp để mọi người tham gia cùng thực hiện và giám sát. Từ đó, công ty đã mò mẫm đi theo các thông lệ quốc tế và thấy mình “tiến hóa lên”.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ cho biết, báo cáo Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) không chỉ là xu hướng phổ biến trên toàn cầu, mà còn là yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“EU – thị trường xuất khẩu quan trọng của vùng, đã ban hành chỉ số phát triển bền vững vào năm 2022 và dự kiến chính thức áp dụng vào năm 2025. Do đó, các doanh nghiệp đã, đang và sẽ kinh doanh trực tiếp hay gián tiếp với thị trường này đều phải biết về ESG và thực hành ESG”, bà Nguyễn Thị Thương Linh nói.

Theo ERM Việt Nam, khi thực hiện ESG tốt, doanh nghiệp có khả năng quản lý tốt hơn, nâng cao vị thế kinh doanh, giảm chi phí vận hành và tốt hơn quan hệ với các bên liên quan. Do đó, có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng ESG vào chiến lược phát triển kinh doanh và quản trị doanh nghiệp để thay đổi cuộc chơi của mình.

Việc thực hiện ESG không chỉ là sản xuất và kinh doanh bền vững, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng quản trị và phản ứng với rủi ro trong quá trình kinh doanh. Việc áp dụng ESG đúng cách cũng tạo lợi ích cho môi trường và xã hội. Nhưng hiện Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất về thông tin công bố, khiến nhà đầu tư và đối tác khó đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Vẫn theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, ESG là khái niệm mới với các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì vậy, mục tiêu trước mắt của VCCI là từng bước nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về từng thành tố trong ESG, từ đó trợ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt của quốc tế.

Theo quy định tại Việt Nam, những doanh nghiệp nào có doanh thu trên 100 tỷ đồng và niêm yết trên sàn chứng khoán thì mới buộc phải công bố ESG. Tuy nhiên, trên thực tế để đáp ứng nhu cầu về thị trường hiện nay đặc biệt là các thị trường xuất khẩu EU… nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam có doanh thu chưa tới 100 tỷ nhưng cũng rất quan tâm, mong muốn áp dụng thực hành ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Song, vấn đề hiện nay là Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất quy định công bố thông tin khiến nhà đầu tư cũng như đối tác khó đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vì hạn chế dữ liệu để so sánh. Đồng thời, phía doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xác định chỉ số nào nên theo dõi”, bà Linh nhấn mạnh.

Nguyễn Việt