Các biện pháp hạn chế đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại trong giới doanh nghiệp Mỹ.
Sau khi Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp hạn chế đầu tư của Mỹ vào các ngành công nghệ then chốt của Trung Quốc, các công ty bán dẫn của Mỹ đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đảm bảo khả năng tiếp cận không bị cản trở vào thị trường Trung Quốc.
Trước đó, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) đã phản ứng thận trọng trước động thái được cho là sẽ làm leo thang mạnh mẽ cuộc cạnh tranh vốn đã khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc để giành ưu thế về công nghệ và sức mạnh kinh tế.
SIA cho biết việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ “mạnh mẽ và có khả năng cạnh tranh toàn cầu” là điều sống còn để đảm bảo an ninh quốc gia.
“Chúng tôi hy vọng các quy tắc sẽ cho phép các công ty chip của Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng và tiếp cận các thị trường toàn cầu quan trọng, bao gồm cả Trung Quốc, để thúc đẩy sức mạnh lâu dài của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ và tăng cường khả năng của chúng tôi trong việc đổi mới nhằm giữ ưu thế so với những đối thủ cạnh tranh toàn cầu”, tuyên bố của SIA nêu rõ.
Được biết, tuyên bố của SIA được đưa ra sau lời kêu gọi của hiệp hội công nghiệp này vào tháng trước nhằm thúc giục cả Bắc Kinh và Washington “giảm bớt căng thẳng và tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại”.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền kiềm chế không áp dụng thêm các biện pháp hạn chế cho đến khi các bên tham gia rộng rãi hơn cùng với các Bộ, ngành và các chuyên gia để đánh giá tác động của các biện pháp hiện hành nhằm xác định xem mục đích của các biện pháp sắp đưa ra có được xác định rõ ràng hay không, cũng như sẽ được áp dụng nhất quán và có sự phối hợp với các đồng minh hay không,” SIA nói thêm.
Hiệp hội này cho biết việc cho phép tiếp tục tiếp cận thị trường Trung Quốc, thị trường thương mại lớn nhất thế giới về chất bán dẫn hàng hóa, là điều quan trọng để tránh làm suy yếu những tác động tích cực của Đạo luật CHIP.
Có thể thấy, giới doanh nghiệp Mỹ đang lo ngại về những ảnh hưởng do các biện pháp hạn chế đầu tư mới nhất của Mỹ đối với Trung Quốc gây ra. Các biện pháp này không chỉ bóp nghẹt vốn đầu tư mạo hiểm và làm suy giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến tiến bộ công nghệ của Mỹ.
Theo ông Alfredo Montufar-Helu, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc của The Conference Board, các hạn chế của Mỹ có thể lan sang các lĩnh vực không nhạy cảm, chẳng hạn như lái xe tự động, sinh học tổng hợp và khoa học khí hậu.
“Việc hạn chế một số công nghệ hiện nay có khả năng làm giảm tiềm năng đổi mới của một số sản phẩm thương mại của Mỹ trong thập kỷ tới”, chuyên gia Alfredo Montufar-Helu nói.
Ông He Jun, một nhà nghiên cứu cấp cao tập trung vào công nghệ và kinh tế Trung Quốc tại Anbound Consulting cho rằng các biện pháp hạn chế đầu tư của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghệ cao của Trung Quốc vì các chi tiết được thiết kế nhắm trực tiếp vào các công ty Trung Quốc..
“Ngay bây giờ, thị trường đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đang bị thu hẹp, đầu tư nước ngoài đã giảm đi một phần và những gì còn lại chủ yếu là nguồn tài trợ do nhà nước hậu thuẫn. Trung Quốc có khả năng sẽ trở thành một thị trường khép kín. Điều này không tốt cho ngành đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc, cũng như cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao.”
Mặc dù thông tin hiện tại phản ánh rằng chỉ một phần nhỏ FDI của Mỹ vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể, nhưng Trung Quốc có thể đưa ra bất kì biện pháp đối phó nào để nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ. Điều này sẽ mang lại những hệ lụy cho chính Washington.
Cẩm Anh