VASEP cho biết sản xuất tôm nguyên liệu khó khăn vì các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi, trong khi nhu cầu của các thị trường chính chững lại khi lượng tồn kho tăng. Các yếu tố này cùng với tác động của lạm phát khiến cho xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường lớn sụt giảm.

QT2_3049

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, chi phí sản xuất tôm nguyên liệu của Việt Nam quá cao. So với Ấn Độ và Indonesia cao hơn khoảng 30%, so với Ecuador cao hơn từ 2,5 – 3 lần do sản xuất manh mún, tự phát và chạy theo các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, khép kín… Bên cạnh đó là chi phí thức ăn, thuốc vừa phụ thuộc bên ngoài và không được kiểm soát tốt.

Đồng quan điểm, TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP thực phẩm Sao Ta, cho biết Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới. Sản phẩm của Việt Nam trong mấy năm gần đây phải cạnh tranh rất vất vả với hàng giá rẻ từ Ấn Độ và Indonesia mà nhất là Ecuador. Đặc biệt trong năm nay chi phí vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ từ mức 4.000 – 5.000 USD/container (40 feet) tăng thêm 4 – 5 lần.

Tại thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm tôm Việt Nam phần lớn nằm ở phân khúc hàng giá trị gia tăng nên chỉ chiếm khoảng 10% thị phần; trong khi đó Ấn Độ và Indonesia chiếm khoảng 20% mỗi nước, còn Ecuador chiếm tới 40% thị phần tôm tại Hoa Kỳ. Ecuador gần Hoa Kỳ nên có lợi thế cạnh tranh hơn.

Đáng nói hơn, ông Quang cho biết từng tham quan các trại nuôi ở Ecuador. Ở đó, muốn được cấp phép nuôi tôm phải có diện tích trên 50 ha. Nhưng không có mấy người nuôi với diện tích ấy cả, đa số lên đến cả ngàn thậm chí vài ngàn hecta. Họ tận dụng lợi thế về quy mô và tạo ra môi trường nuôi gần với tự nhiên nhất có thể.

Theo ông Quang, ở Việt Nam, mô hình kinh tế lý tưởng nhất là mô hình tôm lúa luân canh. Đây là mô hình tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc thù ở khu vực ven biển của ĐBSCL khi có một mùa nước mặn và một mùa nước ngọt. Mô hình này đã được chứng minh vừa phát huy hiệu quả kinh tế, giúp nông dân thoát nghèo. Tôi cũng đang phối hợp với các tỉnh ven biển để thực hiện quy hoạch lại vùng nuôi, tuy nhiên việc này cũng đang còn rất chậm”, ông Quang nói.

Cách đây khoảng hơn 10 năm, Thái Lan là nước dẫn đầu về ngành chế biến tôm giá trị gia tăng. Thời đó các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới bắt đầu làm hàng IQF (đông lạnh) nhưng vì giá thành nguyên liệu tăng dần, sản phẩm mất sức cạnh tranh nên buộc phải chuyển hướng làm hàng giá trị gia tăng để tăng sức cạnh tranh. Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp và vượt qua Thái Lan trong lĩnh vực này.

Cũng như vậy, các nước họ cũng sẽ đầu tư máy móc công nghệ để đi vào chế biến sâu đặc biệt trong giai đoạn khó khăn về đầu ra như hiện nay. Có thể chỉ 5 – 10 năm nữa Việt Nam sẽ mất vị thế dẫn đầu trong chế biến tôm. “Để tránh sớm bị vượt mặt trong lĩnh vực này, Việt Nam cần đầu tư ngược lại vào khâu nuôi để giảm giá thành, duy trì sức cạnh tranh cao trên thị trường. Để làm được điều này, ngành tôm cần được quy hoạch bài bản, quy mô lớn”, ông Quang nêu giải pháp.

Thực tế, trong những tháng đầu năm nguy cơ về thiếu tôm nguyên liệu đã được cảnh bảo. Nhiều đánh giá, nguồn tôm nguyên liệu sẽ giảm mạnh vì người dân chùn tay thả nuôi do dịch bệnh còn tiềm ẩn. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức về các trường hợp tạm ngưng thả giống, nhưng trước thông tin khuyến mãi con giống (post) 30 – 50%, thậm chí là 100% càng khiến người nuôi tôm thêm lo về dịch bệnh, bởi theo người nuôi tôm, thường chỉ khi nào giá tôm thấp, tỷ lệ tôm sinh sản cao hoặc có dịch bệnh ít người thả nuôi thì tôm giống mới có khuyến mãi lớn.

Theo đó, từ tháng 8 trở đi, khi các nhà máy vào giai đoạn tăng tốc phục vụ cho các hợp đồng cuối năm thì khả năng thiếu tôm nguyên liệu sẽ xảy ra và thực tế xuất khẩu tôm tháng 8 đã bắt đầu giảm tốc so với tháng trước đó.

Thy Hằng