Thị trường xuất khẩu tôm năm nay được dự báo rất lạc quan. Các doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho một năm tăng tốc sau đại dịch Covid-19, nhưng kết quả có được như mong đợi hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn tôm nguyên liệu trong thời gian tới.

qt1_5714-enternews-1656514363

Nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp tôm trả nợ đơn hàng.

Trong khi đó, theo ông Hồ Quốc  Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta năm nay nước sông Mekong dâng cao sớm, xuất phát từ biến đổi khí hậu tuyết tan nhiều hơn cộng với mưa nhiều ở thượng nguồn.

Nước tràn sớm về miền Tây khiến các sông có kết nối hệ thống sông Cửu Long đã ngọt sớm hơn mọi năm. Sông Mỹ Thanh và các chi lưu của nó, trọng điểm nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng, đã không còn chút độ mặn nào từ tháng 5, những điểm tiếp giáp cũng chỉ đạt độ mặn 0-2%. Điều này làm chùng tay người thả nuôi vì môi trường không đáp ứng nhu cầu sinh lý con tôm.

Mặt khác, vụ nuôi chính năm 2022 tại miền Tây kết thúc sớm hơn dự kiến khoảng 3 tuần. Nguyên nhân năm nay vi bào tử trùng phát tán diện rộng, thâm nhập từng ao tôm, nội tạng tôm, làm tôm chậm lớn, chết lai rai và dẫn tới thu hoạch sớm, khi cỡ tôm chưa đạt kỳ vọng.

“Nếu mọi năm, đầu quý 3 là cao điểm mùa tôm chính của năm, các doanh nghiệp chế biến tôm luôn ở trạng thái đủ nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Hiện nay, mức phổ biến đáp ứng nguyên liệu ở các doanh nghiệp tôm là 2/3, thậm chí có ngày còn ít hơn, chỉ ½. Mặt khác, tôm cỡ lớn cũng giảm so năm trước. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp tôm trả nợ đơn hàng”, ông Hồ Quốc Lực nêu thực tế.

Ông Lưu Trường Giang, phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát cho biết, hiện, giá tôm tăng nhẹ do cung không đủ cầu.

“Giá tôm đang tăng do lượng tôm nguyên liệu ở các vùng nuôi ít lại. Vụ này nông dân nuôi tôm khó, đa số không thành công từ lúc tôm còn nhỏ”, ông Giang chia sẻ.

Thực tế cũng cho thấy, nguồn tôm nguyên liệu sẽ giảm mạnh vì người dân chùn tay thả nuôi do dịch bệnh còn tiềm ẩn. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức về các trường hợp tạm ngưng thả giống, nhưng trước thông tin khuyến mãi con giống (post) 30 – 50%, thậm chí là 100% càng khiến người nuôi tôm thêm lo về dịch bệnh, bởi theo người nuôi tôm, thường chỉ khi nào giá tôm thấp, tỷ lệ tôm sinh sản cao hoặc có dịch bệnh ít người thả nuôi thì tôm giống mới có khuyến mãi lớn.

“Sao Ta vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn tôm nguyên liệu bên ngoài bởi vùng nuôi 320 ha của công ty mới chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu chế biến. Việc tự chủ hoàn toàn 100% nguyên liệu tôm là điều không thể vì hiện tại ngành tôm vẫn còn khá manh mún, tự phát”, TS Hồ Quốc Lực nêu thực tế về lo lắng thiếu tôm nguyên liệu.

Trong một hội nghị mới đây, Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cũng nhận định, còn nhiều yếu tố biến động, bất ngờ đang đe dọa ngành thủy sản trong nửa cuối năm.

“Bên cạnh vấn đề cước vận chuyển, gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến sự Nga – Ukraine, một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt là đảm bảo đủ nguyên liệu chế biến cho các đơn hàng cuối năm”, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.

Cùng quan điểm, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 mới đây, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc  CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng nhận định nửa cuối năm 2022 là là khoảng thời gian khó khăn đối với thị trường tôm.

“Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Thời tiết lại mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống. Đặc biệt, tình hình lạm phát ở các nước cao nên thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn”, ông Quang nói.

Theo ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, nghịch lý hiện nay là một số doanh nghiệp không đủ tôm cho công nhân làm nhưng xuất khẩu tôm tháng 6 dự kiến giảm so với cùng kỳ do sức mua các nước giảm. Một số hợp đồng của doanh nghiệp này được đối tác yêu cầu lùi thời gian giao hàng vì bán chậm. Sức mua của mặt hàng tôm giảm do ảnh hưởng lạm phát cao và xung đột Nga-Ukraine.

Cũng đánh giá về tình hình thị trường thế giới, theo ông Lực, kinh tế thế giới đang ở trạng thái không tốt, lạm phát và khủng hoảng lương thực, thực phẩm đang chực chờ. Hai cường quốc tôm hàng đầu là Ecuador và Ấn Độ đang tập trung thúc đẩy ngành tôm phát triển và năm qua hai nước này đều có kim ngạch xuất khẩu tôm cao hơn Việt Nam. Lợi thế của họ là giá tôm bán khá rẻ, thấp hơn tôm ta cả đô la mỗi kg.

 “Tôi không đủ thông tin để biết tình hình nuôi tôm hai quốc gia này đang tốt xấu ra sao, chỉ biết tin dịch bệnh lẻ tẻ, chưa xác định là nguy cơ. Trong hoàn cảnh khách quan khá bất lợi này và khó khăn chủ quan ta đang gặp phải, các thành viên chuỗi giá trị con tôm cần có cách ứng xử phù hợp theo hoàn cảnh riêng của mình”, Chủ tịch Sao Ta chia sẻ.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, trước mắt trong nửa đầu tháng 7 tình hình cung ứng tôm nguyên liệu nhìn chung tạm ổn, nhưng khả năng phần lớn sẽ là tôm cỡ trung và cỡ nhỏ. Tuy nhiên từ tháng 8 trở đi, khi các nhà máy vào giai đoạn tăng tốc phục vụ cho các hợp đồng cuối năm thì khả năng thiếu tôm nguyên liệu sẽ xảy ra.

Do đó, Chủ tịch Cty Sao Ta cho rằng để giải bài toán chủ động nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến xuất khẩu tôm chính là sự đổi mới của mảng nuôi nhỏ lẻ và chuỗi hợp tác mới với quy trình mới. Bên cạnh đó là vai trò của nuôi tôm quy mô trang trại trong nỗ lực vươn tầm của toàn ngành, vai trò của mô hình tôm – rừng, tôm – lúa. Ba nguồn cung nguyên liệu này là trọng điểm trong tương lai.

Ở hiện tại, nguồn cung từ nuôi nhỏ lẻ manh mún vẫn là chủ lực, do đó, cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi là vấn đề cần thiết và cấp thiết, theo đó tập trung vùng trọng điểm. Cơ sở hạ tầng quan trọng nhất là thuỷ lợi, sau đó là điện và đường.

Thy Hằng