Nhận xét về các tiêu chí đưa ra với phát triển hạ tầng thương mại tại dự thảo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, không phù hợp và thiếu khả thi trong thực tế.

du-an-chuoi-circle-k

Trước hết với quy định “cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân với những đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m”, các ý kiến cho rằng cửa hàng sẽ khó kiểm soát những khách hàng ngoài bán kính 500m đến mua hàng.

Bản thân doanh nghiệp cũng cho biết, khó kiểm soát, trường hợp muốn triển khai việc quy định này, các cửa hàng sẽ tốn nhiều nhân lực để có thể kiểm tra giấy tờ, nơi cư trú của khách mua hàng…Trong khi việc kiểm soát khách hàng ngoài bán kính 500 m đến mua hàng cũng không cần thiết.

Đặc biệt, với sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến như hiện nay, người mua muốn giao hàng tận nhà có thể đặt trực tiếp trên những ứng dụng đặt xe như Grab, Lazada,…và khách hàng ở khu vực nào cũng được phục vụ và không giới hạn.

Ví như khi truy cập vào trang chủ hệ thống Winmart, chọn hình thức giao hàng, khách hàng cũng có thể chọn tại nhiều khu vực khác nhau không giới hạn số km.  Hệ thống sẽ hiện ra bảng tùy chọn khu vực giao hàng dành cho người dùng từ thành phố, quận, phường… trước khi người dùng có thể chọn những món hàng cần mua.

Có thể thấy, nguồn khách trực tuyến đang là lợi thế lớn của những cửa hàng tiện lợi so với với cửa hàng tạp hóa truyền thống khi bị hạn chế bởi việc không thể giao hàng mà chỉ phục trực tiếp tại chỗ.

Như vậy, dự thảo quy định đối tượng phục vụ là khách mua hàng trong phạm vị 500m mà Bộ Công thương vừa đưa ra đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khiến các cửa hàng tiện lợi thành “bất lợi”.

Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu tất cả các siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Quy định này được đánh giá sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và làm giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cũng nhận định, các tiêu chí về cửa hàng tiện lợi, siêu thị… tại dự thảo này “phần lớn là quy định mang tính cơ học”. Các tiêu chí về hành chính này giúp dễ quản lý, kiểm tra nhưng không phù hợp thực tế…

“Cơ quan quản lý cần hướng tới quy định để nâng tính cạnh tranh, quản trị của các loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có cửa hàng tiện lợi”, ông nói.

Đồng quan điểm về việc không phù hợp thực tế, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng nhận xét, các tiêu chí quy định về phát triển các loại hình hạ tầng thương mại mà Bộ Công Thương đang dự thảo quá chi tiết, thiếu khả thi và không phù hợp với bối cảnh phát triển các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại.

Đại diện Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng cho biết đang gửi lấy ý kiến các doanh nghiệp bán lẻ thành viên và sẽ có góp ý để các quy định này thực tế hơn khi được ban hành.

Đáng lưu ý, các ý kiến đều nhấn mạnh, Nhà nước không nên đưa ra các tiêu chí phân loại đơn thuần, mà cần hướng tới việc quản lý đảm bảo tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, mua bán công khai, minh bạch. Theo đó, các tiêu chí phát triển loại hình hạ tầng thương mại như siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện lợi… cần đi sâu vào quản lý chất lượng, dịch vụ để tăng cạnh tranh giữa các loại hình bán lẻ, thay vì các quy định quá chi ly như về diện tích, phạm vi bán kính phục vụ hay số lượng hàng được bán trong mỗi cửa hàng, siêu thị…

Mặc dù Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương lý giải tiêu chí “phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Tuy nhiên, đại diện này cũng thừa nhận nếu quy định “dễ gây hiểu lầm” thì cần chỉnh sửa hoặc huỷ bỏ.

Thy Hằng