Chuyển tới nội dung

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới giảm

Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 tháng năm 2024 có 4.241 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Song song với đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 1.137, giảm khoảng 1% so với cùng kỳ. Con số này cũng phản ánh xu thế chung trên phạm vi cả nước, khi tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong mọi lĩnh vực đạt 147.200, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 11 tháng năm 2024, lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu phân chia 7 nhóm ngành theo số lượng doanh nghiệp thành lập mới, bất động sản đứng thứ 6, chỉ cao hơn nhóm sản xuất phân phối, điện, nước, gas (1.092 doanh nghiệp) và thấp hơn nhiều so với nhóm dẫn đầu là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (59.961 doanh nghiệp).

Tuy nhiên, xét về số lượng doanh nghiệp giải thể, nhóm kinh doanh bất động sản lại đứng thứ 3 trong số 7 nhóm lĩnh vực hoạt động được thống kê.

Có thể thấy, sau khi 3 luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) có hiệu lực từ 1/8/2024, thị trường bất động sản đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu phục hồi trở lại sau thời gian dài ảm đạm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết doanh nghiệp địa ốc vẫn phải đối không ít khó khăn.

TS Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chia sẻ, thị trường đã dần có những tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên trong giai đoạn chuyển tiếp để hệ thống luật mới thực sự thẩm thấu và phát huy hiệu quả, nhiều vướng mắc pháp lý vẫn tồn tại như xác định giá đất, giải phóng mặt bằng hay khả năng tiếp cận vốn…

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Cây – Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Constrexim cho biết, việc một số địa phương e ngại ký văn bản chấp thuận đầu tư dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải chờ đợi lâu, làm ảnh hưởng đến thời gian triển khai dự án.

“Ở các nước, nhà phát triển bất động sản rất dễ tính toán lợi nhuận đầu tư do giá đất được xác định rõ ngay từ đầu khi chấp thuận đầu tư. Còn tại Việt Nam, nhà đầu tư rất khó dự toán bởi có nhiều chi phí phát sinh và thời gian chấp thuận đầu tư dự án thường kéo dài hàng năm trời. Như vậy, giá bất động sản sẽ bị đẩy lên ngày càng cao để bù đắp chi phí” – ông Cây dẫn chứng.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng đột biến, gây thiệt hại cho người mua. Nếu không có giải pháp kịp thời, hậu quả sẽ chủ yếu do người dân gánh chịu.

Dù vậy, các chuyên gia dự báo năm 2025 thị trường sẽ khả quan hơn, nhờ “trợ lực” của nhiều thông tư và nghị định hướng dẫn được ban hành hoặc có hiệu lực trong quý 3/2024, từ đó thúc đẩy việc phát triển dự án và bán hàng vào năm 2025.

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV nhận định, các vướng mắc về pháp lý cũng đã dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện (nhiều luật liên quan được thông qua và có hiệu lực; nhiều nghị định, chính sách được ban hành); quy hoạch các cấp được hoàn thiện.

Theo ông Lực, đây là những “trợ lực” chính làm cơ sở để thị trường bất động sản bước vào giai đoạn mới và phục hồi theo hướng bền vững hơn trong thời gian tới.

Vi Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved