Detmay

Thiếu hụt lao động chủ yếu nằm ở nhóm lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Catalan, 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Năm 2021, nằm ở “điểm nóng” Yên Phong, công ty phải dừng, giãn việc kéo dài khi thực hiện giãn cách xã hội. Bước sang năm 2022, công ty lại đối mặt với khó khăn thiếu nhân lực cục bộ vì nhiều lao động trở thành F0.

Cũng gặp khó khăn về thiếu nhân lực, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, tổng công ty có trên 12.000 lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp thành viên ở 8 tỉnh, thành phố. Số công nhân bị F0 tăng cao, có thời điểm, có đơn vị có đến 70% công nhân bị F0 phải nghỉ việc từ 10-14 ngày.

“Từ sau Tết đến giờ, bình quân các xí nghiệp, phân xưởng, số người lao động F0 đã chiếm khoảng 40%. Nhiều công nhân F0 phải nghỉ cả chục ngày, các dây chuyền, năng suất đều giảm tới 50-70% khiến các đơn hàng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp đã phải làm việc lại với nhiều đối tác để xin kéo dài thời gian giao hàng”, ông Long chia sẻ.

Không chỉ những doanh nghiệp kể trên, tình trạng thiếu hụt lao động trở nên trầm trọng hơn khi nhu cầu hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao. Tính riêng trong quý 1/2022, sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, với khoảng 120.000 lao động, tương đương gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng) cao hơn những năm trước khoảng 2-3%. Thiếu hụt chủ yếu nằm ở nhóm lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và thiếu hụt ở một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục…

Đáng nói, tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn được dự báo tiếp diễn trong những tháng tiếp theo khi đại dịch Covid-19 tiếp tục tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động.

Trên thực tế, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 100% công suất nên đã xuất hiện tình trạng thiếu nhiều lao động giản đơn.

Hơn nữa, nhu cầu chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng đơn hàng đang tăng lên khiến tình trạng thiếu lao động càng rõ rệt.

Cùng với đó, trong khoảng 6 tuần gần đây, tỷ lệ người mắc COVID-19 tăng cao trong một khoảng thời gian ngắn, nhiều lao động bị mắc hoặc phải nghỉ chăm sóc người thân mắc COVID-19 đã dẫn đến có thời điểm thiếu lao động.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt lao động, đó là: Sau Tết, một bộ phận người lao động trở về quê đón Tết và tránh dịch COVID-19, đã tìm được việc làm mới với mức thu nhập khá hấp dẫn, được làm việc gần gia đình. Nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Giá cả các mặt hàng tăng cao, mức lương của người lao động không đủ trang trải chi phí cuộc sống, nên không dám trở lại thành phố lớn, khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, lương và chế độ phúc lợi ở nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử… hầu hết còn thấp, nhưng yêu cầu công việc, thời giờ làm việc quá cao nên một bộ phận người lao động phải tìm việc làm mới linh hoạt, có thu nhập tốt hơn. Tình hình dịch bệnh còn phức tạp, một bộ phận người lao động là F0, F1…

“Việc người lao động khó khăn về thu nhập, nhà ở, cho học hành của con cái là một trong những nguyên nhân rất chủ yếu của tình trạng người lao động chuyển từ khu vực lao động chính thức sang khu vực phi chính thức, không trở lại doanh nghiệp cũ”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đề xuất 4 giải pháp: Hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động thu hút, tuyển dụng; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; tổ chức kết nối cung – cầu lao động.

Chỉ đạo về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đây là vấn đề lớn, vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả thực hiện Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Quyết định 08 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nắm bắt, đánh giá đầy đủ tình hình khó khăn của người lao động, phối hợp với các địa phương hỗ trợ người lao động thực sự khó khăn, giúp họ yên tâm lao động sản xuất; khẩn trương trình Chính phủ ban hành dự thảo Nghị định về tiền lương tối thiểu vùng.

Về dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ hoàn thiện chiến lược thu hút đầu tư, tránh việc tập trung các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở một số địa phương, tạo áp lực về hạ tầng xã hội.

Bộ LĐTBXH triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng mạnh vào việc mở mới, đào tạo các ngành công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, thiết kế các quy định khoa học, chặt chẽ, khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.

Thy Hằng