Sau khi một số hãng hàng không đưa vào khai thác những chuyến bay tối muộn và sáng sớm, mức giá vé đã có phần “giảm nhiệt”.
Theo ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), trong 4 tháng đầu năm nay, giá vé máy bay của hãng đã tăng khoảng 15-17%, tùy thời gian và địa điểm bay.
Tuy nhiên, giá vé tính đến tháng trước vẫn nằm trong khoảng 76% so với mức giá trần quy định. Thậm chí trên nhiều đường bay, giá vé của hãng hàng không quốc gia Việt Nam chỉ tương đương 43% giá trần.
Lãnh đạo Vietnam Airlines lý giải giá vé máy bay tăng cao là do hãng “không bay một mình”. Tại thị trường quốc tế, hãng đang phải cạnh tranh với 53 hãng bay khác, nếu tính cả các đơn vị liên danh thì lên tới hơn 153 hãng, vì vậy, hãng không thể tự quyết định giá vé.
Việc niêm yết giá vé máy bay cũng phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế. Hãng không bán đắt nhất để chỉ phục vụ cho 1-2 khách nhưng cũng không dìm giá xuống rẻ nhất để lãi chỉ trăm nghìn. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng phải tính toán điều tiết giá vé máy bay theo kế hoạch phát triển thị trường trong tương lai.
Thực tế, theo ông Đặng Anh Tuấn, giá vé máy bay không chỉ tăng ở Việt Nam mà còn xảy ra khắp toàn cầu từ năm 2022. Tuy nhiên, thời gian và mức tăng có sự khác nhau.
Vào năm 2022, thế giới đã tăng vé máy bay khoảng 30-40%, nhưng Việt Nam mới chỉ bắt đầu tăng vào những tháng đầu năm nay. Giá vé tăng đến từ nhiều nguyên nhân như chi phí đầu vào, nguyên liệu, tỷ giá USD tăng mạnh; chưa kể tới việc thiếu tàu bay và những ảnh hưởng khác.
“Hiện các hãng hàng không thế giới tính toán với 1 khách vận chuyển chỉ lãi cao nhất khoảng 15 USD, khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ có lãi 1,2 USD và riêng thị trường Việt Nam còn thấp hơn như vậy”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, điều này cho thấy việc tăng giá vé là để bù đắp chi phí hoạt động nhưng xét tổng thể vẫn chưa đủ. Bởi hãng còn phải chủ động chuẩn bị chi phí cho cả những biến cố lớn có thể xảy ra, đơn cử như giai đoạn đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề.
Ông Tuấn cho biết năm 2024, riêng giá nhiên liệu đã tăng khoảng 5,5-5,6 nghìn tỷ đồng chi phí so với cùng kỳ.
Hiện nay, giá nhiên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao khoảng 104 USD/thùng. Với sản lượng khai thác như hiện nay, khi giá nhiên liệu thay đổi 1 USD/thùng sẽ làm chi phí khai thác của Vietnam Airlines thay đổi khoảng 230 tỷ/năm. Điều này tạo ra sức ép lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không nói chung và của Vietnam Airlines nói riêng.
Tỷ giá đồng USD chênh lệch khiến hãng mất thêm khoảng 4,7 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Chưa kể, các nguyên nhân khác như đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu tàu bay.
Trả lời câu hỏi “khi nào giá vé máy bay giảm?”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, các hãng hàng không nước ngoài đã nhận định chỉ khi cung và cầu bằng nhau thì giá vé mới giảm.
“Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước, vì thế cần làm hài hòa giữa quyền lợi của hành khách, doanh nghiệp và Nhà nước. Mức giá tăng trong thời gian qua được đánh giá là hợp lý, trong tầm kiểm soát và tính toán để đảm bảo sự hài hòa, cân đối cho các quyền lợi trên”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trên thực tế, sau khi một số hãng hàng không đưa vào khai thác những chuyến bay tối muộn và sáng sớm, mức giá vé đã có phần “giảm nhiệt”.
Cụ thể, Vietnam Airlines khai thác và mở bán tăng cường các chuyến bay khai thác vào khung giờ giờ muộn từ sau 21h hàng ngày trên các đường bay giữa Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn… để thêm lựa chọn cho hành khách.
Vietjet cũng thông báo tăng loạt chuyến bay đêm trên nhiều đường bay để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Các chuyến bay khởi hành trong khung giờ từ sau 1h đến khoảng 2h30, tập trung chủ yếu trên các đường bay du lịch đến và đi từ TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Nha Trang, Hải Phòng…
Cục Hàng không Việt Nam khuyến nghị, ngoài việc có nhiều cơ hội đặt được chỗ trên những chặng bay, hành khách cũng sẽ có nhiều lựa chọn các mức giá phù hợp với điều kiện và nhu cầu di chuyển của mình khi có kế hoạch đặt vé máy bay từ sớm và xa ngày khởi hành.
Bên cạnh đó, việc hành khách xây dựng kế hoạch di chuyển và lựa chọn đặt vé từ sớm cũng sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam bố trí nguồn lực, tối ưu hoạt động khai thác tàu bay, hạn chế việc hủy chuyến và giảm áp lực trong bối cảnh đội tàu bay của các hãng bị thu hẹp như hiện nay.
Cũng theo thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ đặt chỗ trong giai đoạn từ ngày 15/6/2024 đến ngày 15/7/2024 vẫn ở mức trung bình thấp, dù thời điểm hiện tại đã bắt đầu bước vào mùa cao điểm Hè 2024.
Cụ thể, trên các đường bay nội địa, tỷ lệ đặt chỗ trong giai đoạn từ ngày 15/6/2024 đến ngày 15/7/2024 vẫn ở mức trung bình thấp, các ngày cận kề có tỷ lệ đạt chỗ cao hơn song chỉ xuất hiện trên một số đường bay kết nối các điểm du lịch từ các địa phương.
Thy Hằng