Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng, trong đó: Dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%.

Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp, tăng 50,5%.

doanh-nghiep-600x349

Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao.

Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 19,7%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 20,7%.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Đây là sự nỗ lực không nhỏ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, trong việc đưa nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 – 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 – 14%; tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 – 14%/năm. Phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm.

Thực hiện Chiến lược này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

541335-du-lich-phu-quoc-h-8011

Nhiều đơn vị lữ hành cho hay, du lịch hè đang thu hút lượng du khách lớn trên toàn quốc.

Theo đó, nhiều đơn vị lữ hành cho hay, du lịch hè đang thu hút lượng du khách lớn trên toàn quốc, đặc biệt trong tháng 6 vừa qua và tháng 7 này, mùa du lịch đã và đang thực sự bước vào giai đoạn cao điểm.

Công ty du lịch Vietravel dự kiến phục vụ khoảng 250.000 lượt khách hè này và hết tháng 6 đã nhận được hơn 155.000 lượt booking dịch vụ. Doanh nghiệp cho biết, khả năng sẽ phải mở thêm chỗ nhiều dịch vụ do khách đi du lịch không chỉ tập trung vào một thời điểm mà trải dài thậm chí tới tháng 8, đặt trước từ rất sớm.

Saigontourist đặt kế hoạch phục vụ 280.000 lượt khách nhưng đến nay đã vượt 10% so với con số này.

Thời điểm này, do giá cả “leo thang”, du khách có xu hướng chuộng các điểm đến có đường bay hơn đường bộ. Đường bay tới Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Bamboo Airways đã vận chuyển gần 3 triệu hành khách. Tháng 6, hệ số lấp đầy trên mạng bay nội địa đã tăng lên khoảng 90%. Những đường bay ghi nhận tỉ lệ lấp đầy cao nhất là chặng giữa TP HCM đi Hà Nội, Côn Đảo, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Hới; Hà Nội đi Đồng Hới, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn…

“Chúng tôi đã chuẩn bị mọi nguồn lực và có kế hoạch tăng tải 15% để phục vụ hành khách trong cao điểm hè trên mạng bay nội địa, đồng thời khai trương thêm đường bay quốc tế mới” – đại diện Bamboo Airways cho hay.

Tác động từ đại dịch khiến du khách cũng ưu tiên lựa chọn phân khúc lưu trú cao cấp từ 3 – 5 sao và sẵn sàng tăng mức chi tiêu để gia tăng trải nghiệm tại các điểm đến.

Đại diện FLC Hotels & Resorts cho biết, các quần thể du lịch do đơn vị này quản lý và khai thác thường xuyên ghi nhận công suất phòng dịp cuối tuần đạt trên 80%. Thời điểm này du khách cũng đã đặt trước phòng nghỉ đến gần hết tháng 8. Trong đó, khách du lịch MICE chiếm tỷ lệ khá lớn.

Để phục vụ nhu cầu đang tăng cao, doanh nghiệp này đã tăng cường nhiều dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí cũng như liên kết với các doanh nghiệp đối tác trong lĩnh vực hàng không, công nghệ, bổ sung nhiều nhân lực chất lượng cao để tối ưu trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Ngay sau thời điểm tháng 8, ngành du lịch lại tiếp tục bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng 9 trở đi. Do đó, giai đoạn sắp tới được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng hơn nữa về lượng khách quốc tế và cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp du lịch bứt tốc, về đích với những mục tiêu trong năm nay.

Minh Châu