Từ ngày 15/3, hàng không Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau gần 2 năm đóng cửa.

Sớm thống nhất quy định

Ngay trong chiều tối ngày 15/3, Bộ Y tế đã gửi văn bản khẩn đến các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để xin ý kiến về việc thay đổi phương án không cách ly khách du lịch. Theo đó, đối với người nhập cảnh theo đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2.

Đối với người nhập cảnh theo các đường khác (đường bộ, đường thủy, đường sắt) thì cũng phải đáp ứng yêu cầu như với khách đi bằng hàng không như trên. Động thái này của Bộ Y tế đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch thấy được cởi mở hơn.

donkhach-1

Việc thay đổi các phương án về phòng, chống dịch trong bối cảnh hiện tại đối với khách du lịch là cấp thiết.

Các doanh nghiệp cho rằng việc sớm đưa ra hướng dẫn trong việc đón khách quốc tế để áp dụng trong công cuộc phục hồi du lịch là cấp thiết. Đây sẽ là yếu tố quyết định trong công cuộc cạnh tranh, thu hút du khách so với các quốc gia khác.

Bà Phạm Quế Anh – Giám đốc điều hành công ty Hội An Express nhìn nhận việc thay đổi các phương án đón tiếp trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Theo bà Anh, Việt Nam cần thống nhất sớm để thu hút lượng khách đến du lịch, đồng thời tháo gỡ tâm lý hoang mang cho doanh nghiệp từ những quy định chồng chéo giữa các Bộ.

“Việc khôi phục đường bay quốc tế là một tín hiệu tốt và du khách đang có sự quan tâm, tuy nhiên cộng đồng du lịch đang ngóng chờ hướng dẫn về cấp visa cho du khách. Trong bối cảnh hiện tại, việc cấp visa cần được khôi phục lại như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Như thế, Việt Nam sẽ cạnh tranh được với các nước trong khu vực, còn nếu chậm hơn thì sẽ lỡ đi cơ hội”, bà Phạm Quế Anh nhìn nhận.

Xem khách quốc tế như khách nội địa

Trong bối cảnh “bình thường” mới các doanh nghiệp cho rằng các quy định về phòng, chống dịch giữa khách quốc tế và khách nội địa cần phải tương đồng với nhau. Vì thế, theo đề xuất mới của Bộ Y tế chỉ cần có xét nghiệm âm tính sẽ không cần cách ly là hoàn toàn phù hợp.

Các quy định “cởi mở” hơn trong đón khách du lịch sẽ tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ không gây mất cảm hứng đối với du khách. Từ đó, các doanh nghiệp từ tâm thế sẵn sàng sẽ chuyển sang hành động, phối hợp với đối tác đưa khách về Việt Nam.

Ông Đinh Văn Lộc – Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt – Đà cho rằng những quy định không thông thoáng khi mở cửa du lịch sẽ khiến khách quốc tế loại Việt Nam ra khỏi danh sách điểm đến và chọn các quốc gia khác với thủ tục cởi mở hơn. Ông Lộc nói tại Đông Nam Á, các Quốc gia như Campuchia, Thái, Singapore… đã mở cửa nên Việt Nam cũng cần thực hiện sớm.

donkhach-2

Doanh nghiệp du lịch vơi nỗi lo với các quy định chống chéo giữa các Bộ, ngành.

“Nếu không tiến hành sớm sẽ khiến cho doanh nghiệp khó tiếp cận với các thị trường khách quốc tế. Vì vậy, mong mỏi lớn nhất của chúng tôi hiện nay là có chính sách thông thoáng để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Cần có văn bản thống nhất để chúng tôi nhận khách và cần xem khách quốc tế như khách Việt Nam”, ông Đinh Văn Lộc nói.

Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định đến thời điểm này, bối cảnh và điều kiện đã thay đổi rất nhiều. Do đó, Bộ Y tế cần xem xét ban hành những quy định phù hợp với người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có khách du lịch.

“Từ đó, Bộ VH-TT&DL mới sớm công bố phương án mở cửa lại hoạt động du lịch cuối cùng một cách chi tiết. Hiện, các vấn đề cần được chú trọng khi mở cửa là cần đảm bảo an toàn, hàng không (tăng tần suất chuyến bay, mở lại đường bay mới, công nhận hộ chiếu vaccine) và cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời với doanh nghiệp và lao động trong ngành”, ông Khánh nói.

Việt Nam đặt mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Giai đoạn 2022-2023 là giai đoạn phục hồi, mục tiêu là đến hết năm 2023, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi 40-50% so với trước dịch tương đương con số 8-9 triệu khách (so với năn 2019 là 18 triệu khách).

Tuấn Vỹ