Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã có công văn trình Chính phủ về việc tiêm vaccine Covid-19 và hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp trong ngành này sau đại dịch.

cnht

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã có công văn trình Chính phủ về việc tiêm vaccine Covid-19 và hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp trong ngành này sau đại dịch.

Dẫn chứng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều hoạt động tại các khu công nghiệp, nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn thường trực, đe dọa gián đoạn sản xuất và gây tổn hại lớn đến chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Theo VASI, năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, làm chi phí sản xuất, giá nguyên vật liệu tăng cao, phát sinh chi phí phòng chống dịch, tăng chi phí logistics, giảm đơn hàng làm giảm doanh thu, gây mất ổn định nhân sự, tăng giá thuê đất…

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, VASI mong muốn Chính phủ sẽ thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước. VASI cũng đề xuất Chính phủ gia hạn các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp năm 2021 đến hết năm 2021, giảm bớt các yêu cầu và điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được.

Đồng thời, giãn nộp các khoản thuế và nghĩa vụ thêm từ 6 tháng đến 1 năm, hỗ trợ giảm lãi suất vay từ ngân hàng thương mại, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất và giảm giá thuê đất. Đặc biệt, có giải pháp dài hạn và bền vững đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho ngành sản xuất chế tạo.

Đặc biệt, VASI kiến nghị Chính phủ xếp nhóm các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 sớm nhất, bảo đảm hoạt động liên tục, đóng góp cho nền kinh tế và giữ vững uy tín, hình ảnh Việt Nam trong công nghiệp chế tạo toàn cầu.

Về chi phí, VASI cho biết, nếu Chính phủ có chủ trương xã hội hóa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng chi trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động của doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng kiến nghị cần thống nhất việc cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine như: cơ quan cấp, hình thức cấp, nên có QR Code… để đảm bảo kiểm soát tốt và tạo thuận lợi cho người dân đi lại trong và ngoài nước.

Mới đây, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại các khu công nghiệp, Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động 4/5 khu công nghiệp lớn nhất địa bàn tỉnh: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê – Nội Hoàng với khoảng 136.000 lao động. Không chỉ ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Covid-19 cũng đã xuất hiện ở khu công nghiệp trên địa bàn Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội… Đây là những nơi tập trung đông công nhân lao động.

Việc quyết định tạm dừng hoạt động một số khu công nghiệp ở thời điểm này là việc chẳng đặng đừng. Bởi lẽ, khu công nghiệp được ví như “xương sống” kinh tế của nhiều địa phương. Thời gian qua, không ít địa phương đã “thay da đổi thịt” nhờ vào đóng góp của các khu công nghiệp trên địa bàn. Việc tạm dừng hoạt động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đến ngân sách địa phương mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của biết bao công nhân lao động.

Tại cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh, thành có những ca nhiễm Covid-19 trong khu công nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cảnh báo, để xảy ra dịch bệnh trong các khu công nghiệp có thể làm “đứt gãy” chuỗi sản xuất, cung ứng. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để “thủng” các khu công nghiệp. Tuy vậy, để bảo đảm lâu dài cho “mục tiêu kép”, thì việc tạm thời đóng cửa một số khu công nghiệp là rất cần thiết. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để “khóa chặt” nguồn lây lan dịch ra cộng đồng. Đồng thời cũng thể hiện sự chia sẻ, quyết tâm, đồng lòng của người lao động, của doanh nghiệp với Chính phủ và các lực lượng chức năng trong phòng, chống dịch.