Trong những năm qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, đặc biệt là trước ảnh hưởng và diễn biến khó lường dịch COVID-19
Chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục
Những năm qua, để thích ứng và hội nhập với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, ngành giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý. Đặc biệt trước ảnh hưởng và diễn biến khó lường của Đại dịch COVID-19, việc nhanh chóng triển khai chuyển đổi số trong ngành giáo dục càng trở nên cần thiết và cấp bách.
Phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” vừa là áp lực, vừa là động lực thúc đẩy các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh áp dụng khoa học công nghệ nhằm vừa duy trì chất lượng giảng dạy – học tập và quản trị đối với học sinh, khuyến khích học sinh duy trì mạch học tập liên tục; vừa đảm bảo an toàn, an ninh, kết nối nhà trường – phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp; vừa thúc đẩy hoạt động hiệu quả và bền vững của các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để giáo viên, học sinh nhanh chóng thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến, chuyển đổi từ một mô hình dạy học truyền thống thuần túy sang mô hình dạy học trên nền tảng số; cơ hội để các cơ sở giáo dục áp dụng chuyển đổi số trong quản lý và vận hành một trường học theo định hướng thông minh.
Thực tế, trong môi trường giáo dục hiện đại, các cơ sở giáo dục đang gặp rất nhiều thách thức và phải đối mặt với những khó khăn trong việc tìm kiếm một giải pháp chuyển đổi số toàn diện, có thể đáp ứng mọi hoạt động của nhà trường, giúp nhà trường xây dựng một mô hình/nền tảng chuyển đổi số hiệu quả trong việc tổ chức quản lý và điều hành thống nhất cũng như đảm bảo chất lượng giảng dạy trong thời kỳ công nghệ 4.0.
Giờ đây, nhu cầu không còn là một giải pháp công nghệ đơn lẻ để thực hiện một hoạt động nào đó của nhà trường như: một giải pháp dạy và học trực tuyến; một phần mềm quản lý tài chính; một phần mềm quản lý nhân sự hay quản lý dữ liệu của nhà trường…; mà đòi hỏi phải là một nền tảng công nghệ, một giải pháp tổng thể, toàn diện, tích hợp đa tính năng và phù hợp với tình trạng hoạt động của ngành giáo dục Việt Nam giúp hạn chế việc lãng phí tài nguyên (tài chính, nhân sự, thời gian…) và gia tăng hiệu quả và năng suất hoạt động.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt hỗ trợ gì?
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thúc đẩy việc triển khai công tác giảng dạy trực tuyến tại các cơ sở giáo dục. Nhiều nơi đã biết và sử dụng các nền tảng miễn phí như Google (với Google Classroom), Microsoft (với Microsoft Teams), Facebook (với Facebook Workplace), Skype, Zoom…
Tuy nhiên, những phần mềm này mới chỉ dừng ở mức tạo lập một phương tiện giao tiếp và tương tác giữa giáo viên và học sinh, chưa tạo sự liên kết đồng thời với phụ huynh – giáo viên và các nhà quản lý giáo dục nhằm cải thiện khả năng quản trị, hỗ trợ, giám sát đối với học sinh. Các giải pháp phần mềm quản trị đơn lẻ cũng được các trường học dần đưa vào sử dụng, tuy nhiên thiếu sự liên kết giữa các giải pháp, dẫn đến vừa tốn nguồn lực, vừa chưa thực sự hiệu quả.
Một thuật ngữ đang được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là Edtech, kết hợp giữa “giáo dục” (education) và “công nghệ” (technology), nhằm giải quyết các vấn đề giáo dục đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn. Edtech bao gồm tất cả các khía cạnh khác nhau của giáo dục từ việc dạy và học, quản lý giáo dục, truyền thông giáo dục…được thể hiện dưới ba hình thức chính: (1) Ứng dụng công nghệ trong lớp học: Cơ sở vật chất lớp học, công cụ, tài liệu giảng dạy, (2) Ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học, và (3) Ứng dụng công nghệ trong quản trị.
Trên thực tế, không nhiều cơ sở giáo dục có được một giải pháp Edtech toàn diện. Điều đó cho thấy, thị trường công nghệ số Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có khả năng phát triển các nền tảng số để hỗ trợ cho giáo dục. Nổi bật trong đó là Công ty Cổ phần PHX Smart School – một thành viên của Tập đoàn Phenikaa với ứng dụng trường học thông minh PHX Smart School, tích hợp hai hình thức ứng dụng công nghệ trong lớp học và ứng dụng công nghệ trong quản lý vào một nền tảng.
Giải pháp công nghệ của PHX Smart School là một hệ thống quản lý tập trung thông minh, được kết nối, liên thông các thông tin từ nhiều nguồn với nhau nhằm tạo nên một hệ thống thông tin tích hợp thông minh, kết hợp ứng dụng công nghệ trong lớp học và ứng dụng công nghệ trong quản lý vào một nền tảng; lấy 4 đối tượng cơ bản của trường học bao gồm học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà quản lý làm trọng tâm.
Giải pháp này do đội ngũ nhân sự thuộc Tập đoàn Phenikaa nghiên cứu phát triển và đóng gói thương mại, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và IoT ghi nhận dữ liệu, cập nhật và thông báo thông tin theo thời gian thực (realtime) đến cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh, đảm bảo thông tin được cập nhật, trích xuất và thông báo một cách nhanh chóng, đầy đủ, đúng lúc, đến đúng người.
Giải pháp tích hợp phần mềm hỗ trợ quy trình đào tạo, giúp trường học có thể triển khai hoạt động giảng dạy và học tập trực tuyến, chia sẻ video bài giảng tiện lợi để hỗ trợ học tập hiệu quả hơn; tích hợp hệ thống thi trực tuyến, cho phép tạo các kỳ thi trắc nghiệm và chấm điểm ngay sau khi làm xong bài, hay các bài thi tự luận được giảng viên chấm tay và thông báo kết quả cho học sinh và phụ huynh qua ứng dụng.
Đây còn là một phần mềm sổ liên lạc điện tử, kết nối nhà trường với phụ huynh một cách dễ dàng thông qua các app trên Android và iOs. Đặc biệt, PHX Smart School tích hợp hệ thống giám sát lộ trình di chuyển thông minh, điểm danh chính xác bằng gương mặt… tự động kết nối và cập nhật thông tin nhanh chóng tới gia đình về trạng thái của học sinh khi đến trường, đảm bảo an toàn cho học sinh. Ngoài ra, giải pháp này cũng có khả năng chủ động đo thân nhiệt, giám sát thân nhiệt các đối tượng ra vào khuôn viên nhằm đảm bảo công tác phòng-chống dịch của nhà trường.
Đồng thời, PHX Smart School được đánh giá là một giải pháp chuyển đổi số thông minh toàn diện cho trường học trong công tác quản lí hệ thống trên nhiều phương diện khác nhau, từ quản lý an toàn cho học sinh trong quá trình di chuyển đến trường, nhận diện và cảnh báo các tình trạng nguy hiểm, thanh toán, quản lý hoạt động đào tạo, tuyển sinh, cơ sở vật chất, nhân sự và quản trị các hoạt động khác của nhà trường…
Giải pháp này cũng vừa được trao tặng Giải thưởng Sao Khuê 2021 vì sự đóng góp tích cực vào việc đưa chuyển đổi số vào mô hình trường học thông minh với ứng dụng công nghệ toàn diện và vượt trội và được các trường học lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ký kết hợp đồng triển khai, ứng dụng thực tiễn với những phản hồi tích cực.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tăng tốc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Trong đó, lĩnh vực giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện.
Việc các doanh nghiệp Việt tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ, đặc biệt việc nghiên cứu và ứng dụng thành công sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao cho lĩnh vực giáo dục, không chỉ phù hợp với xu thế, thực tiễn, khai thác lợi thế về nguồn nhân lực Việt, chủ trương hỗ trợ của Chính phủ, mà qua đó còn nâng cao chất lượng giáo dục, năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế, tiếp tục mang lại nhiều giá trị tốt đẹp tới cộng đồng xã hội.
Cẩm Anh