Chuyển tới nội dung

Doanh nghiệp còn lúng túng khi giảm thuế VAT về 8%

Đã hơn 1 tháng áp dụng giảm thuế VAT từ 10% còn 8% (từ ngày 1/2/2022), người tiêu dùng được hưởng lợi về giá cả. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ vẫn còn gặp khó khăn vướng mắc trong áp dụng giảm thuế này.

Theo khảo sát, hầu hết các cửa hàng kinh doanh bán lẻ, một số quán ăn, cafe và các siêu thị tại TP.HCM đã áp dụng mức VAT 8%, tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm hàng chưa được áp dụng giảm thuế này.

Tại siêu thị Aeon Tân Phú, từ đầu tháng 2, hệ thống siêu thị này đã điều chỉnh giảm thuế với hầu hết các mặt hàng trong danh mục quy định như thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hoá mỹ phẩm, thời trang, hàng gia dụng,… đây là những sản phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh này không chỉ xuất phát từ nhà phân phối, bán lẻ, mà còn phụ thuộc vào đơn vị cung cấp hàng hóa đầu vào. Cả hai phía cùng thực hiện song song mới có thể đưa ra được mức thuế còn 8% đến người tiêu dùng.

Đại diện siêu thị Coop Mart cho biết, siêu thị này hiện có hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm thời trang may mặc và một số mặt hàng đồ dùng gia đình đã được áp dụng giá bán mới giảm 2% thuế VAT. Sau một tháng áp dụng, nhiều doanh nghiệp phản ánh họ gặp khó khăn trong việc xác định thuế suất VAT áp với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra; hay khó xác định mã sản phẩm, linh kiện được giảm thuế… Việc này khiến người tiêu dùng khó được thụ hưởng.

giam-thue-vat-1-16445490205141823092225

Doanh nghiệp còn lúng túng khi giảm thuế VAT về 8%.

Trước vướng mắc trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã giao Bộ Tài chính sớm xem xét những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp và người dân để có hướng dẫn kịp thời nhằm đảm bảo chính sách giảm thuế VAT phát huy hiệu quả trong phục hồi kinh tế thông qua kích cầu tiêu dùng.

Cũng liên quan đến giảm thuế VAT, chiều ngày 3/3, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Nghị định 15 đã quy định loại trừ 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT và chi tiết tại 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định. “Về nội dung phản ánh liên quan đến giá của hàng hóa tại các chợ dân sinh, tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã quy định trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi xuất hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Để Nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành và sẽ không ban hành Thông tư hướng dẫn. Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn, giải quyết.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), không phải tất cả các hàng hóa, dịch vụ đều được giảm thuế VAT. Do đó, cơ sở kinh doanh cần căn cứ mã ngành nghề, mặt hành kinh doanh tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để đối chiếu với Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam, Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 15 để xác định các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% được giảm thuế VAT xuống còn 8%.

Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm VAT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế VAT.

Việc giảm 2% thuế VAT là một chính sách rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Trước đây, các chính sách hỗ trợ cũng là giảm thuế nhưng giảm trực tiếp (thuế trực thu) còn VAT là thuế gián thu, tác động cả đến tiêu dùng, đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đến cung và cầu của nền kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí đầu vào, đầu ra sẽ “dễ thở” hơn có dư địa sản xuất hơn. Còn với người dân, việc giảm thuế VAT tác động gián tiếp đến tiêu dùng, làm cho mặt bằng giá cả tiêu dùng nói chung giảm đi.

Tú Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved