Chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới được dự báo sẽ dịch chuyển khi thị trường Mỹ thay đổi chính sách dưới thời Tổng thống Donal Trump.
Với quan điểm đã được bày tỏ, ông Donal Trump muốn xem xét thuế công bằng với các đối tác, muốn giảm thâm hụt thương mại về phía Mỹ. Nhắc lại nội dung này, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng nhận định, ông Donal Trump nhậm chức Tổng thống, các chính sách mới của thị trường Mỹ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và Việt Nam.
Dự báo, chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới sẽ dịch chuyển khi Mỹ thay đổi chính sách, Việt Nam có thể có lợi từ sự dịch chuyển này.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Mỹ có kế hoạch áp thuế hàng hóa nhập khẩu 10%, nếu áp dụng đều sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mexico khiến Mỹ thâm hụt thương mại. Vấn đề cần quan tâm là hướng đến cân bằng thương mại.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Mỹ có thể tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại nên các doanh nghiệp cần chú ý đến nguồn gốc hàng hóa. Đồng thời, cần giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh và có thể tăng nhập nguyên liệu gỗ, hóa chất, công nghệ cao để cân bằng thương mại.
Trong khi đó, đề cập đến chính sách thuế quan mới của chính quyền Trump 2.0, ông Hoàng Quốc Anh – Giám đốc Đầu tư của GHG Invest bày tỏ sự lạc quan. Ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cách đây 4 năm, khi Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 60-100%, thị trường Việt Nam đã đón nhận những tác động tích cực. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Bắc Mỹ khi đó chiếm 40% đối với hàng hoá Việt Nam.
Với thị trường Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, thay vì thuế quan, Mỹ sẽ tập trung hơn vào các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ. Vấn đề các nước lợi dụng Việt Nam để né thuế Mỹ cần phải đặc biệt lưu ý.
Từ góc độ doanh nghiệp, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ được quan tâm. Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP dệt may đầu tư thương mại Thành Công cho biết, năm 2024, xuất khẩu dệt may cán mốc kế hoạch đề ra. Dự báo đến năm 2025, ngành dệt may tăng trưởng khoảng 10% với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47-48 tỉ USD. Những kết quả đạt được trong năm 2024 cùng với các thay đổi trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây cho thấy, trên lý thuyết, xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng
Với ngành dệt may, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc trong xuất khẩu sang Mỹ. Khi Mỹ áp thuế cao hơn đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng dệt may Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Tuy nhiên, ông Trần Như Tùng đề cập đến nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng dệt may. Ngoài áp lực kép từ yêu cầu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh Mỹ tăng thuế đối với hàng dệt may từ Trung Quốc, việc Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ tiềm ẩn rủi ro bị Mỹ điều tra. Theo ông Trần Như Tùng, đây là vấn đề mang tính vĩ mô, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ phía Chính phủ và các bộ ngành để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.