Mối liên kết kém hiệu quả, lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và nông dân gây dễ “đổ vỡ” những cam kết, khiến những chuỗi nông sản khó hình thành.
Mặc dù vấn đề liên kết doanh nghiệp và nông dân đã được nói tới nhiều năm cho mục tiêu nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, mối liên kết kém hiệu quả, lỏng lẻo dễ “đổ vỡ” luôn khiến những chuỗi nông sản khó hình thành. Nói như Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị để người nông dân sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, phải liên kết, hợp tác nhiều người nông dân với nhau. Nếu nhỏ lẻ, manh mún thì chắc chắn không hiệu quả.
“Nếu chúng ta có quy mô đủ lớn thì chúng ta mới đứng vững và có tiếng nói trên thị trường, đồng thời có thể quyết định cung cầu và giá cả của thị trường. Đây chính là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường”, ông Nghị khẳng định.
Đáng lưu ý, theo ông Lê Văn Nghị, ở đâu cũng đề cập rất nhiều đến các mối liên kết “3 nhà”, “4 nhà” rồi “6 nhà” nhưng chưa trả lời được câu hỏi tại sao liên kết các nhà đều không thành công?
Ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao. Tuy nhiên, nếu người nông dân không tập hợp, không liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ khó làm ra sản phẩm đồng bộ, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Kinh nghiệm của De Heus ở khu vực châu Âu và thế giới là luôn hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật để góp phần giúp người chăn nuôi độc lập phát triển sản xuất tốt hơn, hiệu quả hơn.
Để thúc đẩy chuỗi liên kết với người chăn nuôi Việt Nam, ngoài cung cấp các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, De Heus còn có các giải pháp quan trọng như cung cấp gà giống, lợn con cho nông dân. Năm 2023, De Heus sẽ cung cấp giải pháp phát triển giống cá tra – mặt hàng quan trọng cho khu vực miền Tây.
Đồng quan điểm, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH cho biết, hiện nay, Tập đoàn TH đã xây dựng được 2 chuỗi liên kết bền vững với nông dân. Doanh nghiệp không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ mà kết nối với nông dân thông qua các hợp tác xã (HTX).
Tuy nhiên, nhiều nông dân còn e ngại và thiếu niềm tin khi tham gia các HTX. Vấn đề cốt lõi là làm sao xây dựng được HTX kiểu mới và làm rõ khi tham HTX, người nông dân được gì?
“Khi tham gia chuỗi liên kết, HTX hoạt động như 1 doanh nghiệp. Hiện nay, Tập đoàn TH đang triển khai rất thành công mô hình liên kết này ở Lâm Đồng. Tập đoàn TH xây dựng những nông dân kiểu mẫu, hay nói cách khác là nông dân trình diễn để nhân rộng, thu hút các nông dân khác tham gia”, ông Ngô Tiến Dũng nói.
Từ những thực tiễn liên kết thành công này, chuyên gia khuyến nghị, chính quyền, cơ quan, ban, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt để tổ chức và hỗ trợ liên kết; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để xâu chuỗi gắn kết giữa các “nhà”, đặc biệt là giữa nông dân và doanh nghiệp.
Theo đó, mọi hợp tác, liên kết phải gắn lợi ích giữa các bên, gồm giữa doanh nghiệp với nông dân, nông dân với nông dân. Muốn vậy, nông dân và doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình, cùng nhau chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro. Cùng với đó, chính quyền cơ sở cũng phải vào cuộc, làm “trọng tài” để quản lý mối liên kết sao cho nghiêm túc, thực chất và thực sự chuyên nghiệp.
Đặc biệt, các bộ, ngành chức năng và cấp chính quyền địa phương cần quan tâm đến cơ chế, chính sách về liên kết, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ mới để hướng đến nền sản xuất chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, qua đó tạo ra lớp nông dân chuyên nghiệp…
Thêm một vấn đề cần quan tâm nữa là chính sách thu hút, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp; nghiên cứu bổ sung cơ chế về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân liên kết để gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp…
Tạo mối liên kết chặt chẽ và chuyên nghiệp giữa nông dân và doanh nghiệp, chính là hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
“Theo tôi mấu chốt của vấn đề này nằm ở 2 “nhà”: nông dân và doanh nghiệp. Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng. Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì doanh nghiệp bẻ kèo. Do đó, 2 “nhà” này cần phải chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Tôi cho rằng để hạn chế tình trạng “bể kèo” chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn”, ông Nghị phân tích.
Thy Hằng