Diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19 đang đẩy nhiều doanh nghiệp BĐS vào thế khó khi vừa phải cầm cự duy trì bộ máy vừa hỗ trợ nhân sự trong thời điểm thị trường gần như ngừng hoạt động.
Phải cho gần 50% nhân sự của công ty nghỉ từ đầu tháng 3 vì giao dịch kém, anh Đặng Thành Tài, chủ một công ty môi giới BĐS tại quận 12 lại tiếp tục phải chuyển toàn bộ nhân sự khối văn phòng sang làm việc tại nhà và cho khối kinh doanh nghỉ không lương, chỉ hưởng trợ cấp từ cuối tháng 3. Tình hình khó khăn chung, công ty không có sản phẩm bán, khách hàng hiện không mấy ai còn tâm trí mua nhà. Để cầm cự qua thời điểm khó khăn, ban lãnh đạo buộc phải cho nhân viên nghỉ làm với mức trợ cấp 50% lương cơ bản.
Cùng cảnh ngộ khó khăn, anh Khoa, quản lý một công ty giao dịch nhà đất tại Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng Giêng, ngành BĐS đã không ít khó khăn vì thiếu nguồn cung dự án. Đến nay khi dịch Covid-19 bùng phát, kế hoạch ra hàng của một số dự án hiếm hoi đang triển khai cũng bị ảnh hưởng khiến doanh nghiệp nhỏ khó khăn hơn. Anh Khoa hiện phải cho gần nửa lượng nhân viên của công ty nghỉ việc, doanh thu sụt giảm trầm trọng. Điều đáng nói, các khoản nợ từ những năm trước càng khó đòi hơn khi chủ đầu tư không bán được hàng, không có dòng tiền về để trả nợ.
Thực hiện yêu cầu của Thành phố về phòng chống dịch, hầu hết các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.HCM đều dừng tất cả các hoạt động tư vấn, bán hàng tập trung, chuyển sang hình thức làm việc online. Một số cơ sở phải chuyển nhân sự sang làm việc tại nhà trong mùa dịch để hưởng ứng chỉ đạo không ra ngoài nếu không cần thiết. Sau hơn 2 tháng xảy ra dịch Covid-19, đến nay các doanh nghiệp đã bắt đầu đối mặt nhiều khó khăn, đối mặt nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh còn kéo dài thêm.
Hoạt động mở bán, khởi công dự án đình trệ khiến nhiều sàn môi giới thiếu
nguồn hàng nuôi quân. Ảnh minh họa
Thống kê sơ bộ từ Batdongsan.com.vn cho thấy, từ sau Tết âm lịch đến nay, gần 50% sàn môi giới trên địa bàn phải đóng cửa. Lượng công ty BĐS giải thể tăng mạnh kéo theo đó là tồn kho BĐS tăng cao. Doanh nghiệp BĐS đang đối mặt với thách thức lớn, dù có hay không có nguồn hàng thì cũng không thể chào bán nhưng vẫn phải duy trì hoạt động và thu nhập cho nhân viên.
Ông Ngô Quang Phúc, TGĐ Tập đoàn Phú Đông chia sẻ, theo dự kiến thì trung tuần tháng 3/2020 công ty sẽ sẽ mở bán một dự án căn hộ tại khu Đông TP.HCM. Tuy nhiên, biến đổi của dịch bệnh buộc doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch phút cuối. Từ khi dịch bệnh bùng phát, nhà đầu tư có xu hướng thủ tiền mặt, không dám tổ tiền vào các kênh có vốn lớn, nhất là BĐS. Phải đợi đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt thì công ty mới tính tới kế hoạch mở bán trở lại. Hiện nay dự án không triển khai nhưng bộ máy vẫn phải nuôi, các chi phí mỗi tháng vẫn phải bỏ ra rất lớn, áp lực tài chính doanh nghiệp phải gánh không hề nhỏ. “Việc không thể bán hàng, tư vấn trực tiếp đang ảnh hưởng không nhỏ đến đại bộ phận các công ty kinh doanh trong lĩnh vực BĐS. Nhất là trong tình trạng thị trường trầm lắng từ thời điểm sau Tết âm lịch đến nay kéo theo nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa, ngừng hoạt động”, ông Phúc chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hậu, TGĐ Công ty BĐS Asian Holding cũng cùng tâm trạng khi nói về tình hình của doanh nghiệp hiện nay. Theo kế hoạch vào khoảng đầu tháng 4, công ty sẽ mở bán giai đoạn tiếp dự án KDC tại Bình Phước. Nhưng khi dịch bệnh phức tạp, chính quyền yêu cầu hạn chế tụ tập, công ty đành hủy kế hoạch bán hàng và cho nhân sự chuyển sang làm việc tại nhà với trợ cấp 50% thu nhập. “Hiện nay chính quyền TP.HCM đang cấm tụ tập đông người, kêu gọi người dân ở trong nhà. Trong khi đó, đặc thù của BĐS là phải bán hàng tập trung đông người để tạo hiệu ứng. Nhưng với tình hình này, không ai dám ra đường chứ đừng nói đến việc đi mua BĐS”, ông Hậu chia sẻ. TGĐ Asian Holdings cũng nhìn nhận, sẽ phải mất ít nhất thêm 1 quý nữa thì thị trường mới có thể hồi phục. Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, không chỉ người mua nhà mà cả các sàn BĐS đều khó thực hiện các kế hoạch đề ra trước đó.
Tương tự, ông Phạm Lâm, TGĐ công ty BĐS DKRA cho biết, công ty đang phải có những điều chỉnh mới về chính sách lương và nhân sự trong thời điểm tạm thời không có hoạt động bán hàng như hiện nay. Hầu hết các công ty BĐS đều đang nỗ lực để không phải cắt giảm bất kỳ nhân sự nào trong mùa dịch. Tuy nhiên để duy trì hoạt động thì hiện nay nhân viên phải cùng chia sẻ khó khăn với công ty. Nhiều sàn tuy không đủ tài chính để trả lương cho nhân viên nhưng vẫn có những khoản hỗ trợ trong thời điểm này. Đây cũng là cố gắng không nhỏ của doanh nghiệp.
Câu hỏi dịch Covid-19 khi nào mới bị đẩy lùi vẫn rất khó tìm câu trả lời. Để duy trì được hoạt động cho đến thời điểm thị trường ổn định trở lại, chính sách hiện nay của các doanh nghiệp BĐS vẫn là “thắt lưng, buộc bụng” để vượt qua khó khăn và duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Phương Uyên