Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sẽ vượt qua áp lực và sớm phục hồi.

Trước bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp ngành bất động sản, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản như: Nghị định 08/NĐ-CP giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp; Nghị quyết 33/NQ-CP tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường trong cả ba nhóm vấn đề về pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội.

Giới chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện số 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đó, Công điện nhấn mạnh các yêu cầu như: Hoàn thiện pháp luật về đất đai, bất động sản; Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có các đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhờ vậy, các doanh nghiệp bất động sản có thêm nguồn vốn để đẩy nhanh triển khai dự án, tăng nguồn cung cho thị trường.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định, khó khăn của thị trường bất động sản vẫn còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm. Đồng thời, dự báo thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn khi Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi dự kiến được thông qua vào cuối năm nay và người dân sẽ được tiếp cận vốn vay với mức lãi suất thấp hơn, cùng với những chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chính phủ đi vào thực tiễn.

Tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam” mới đây, TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong tình trạng thanh khoản kém và nguồn cung rất hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu do các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ và việc tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế. Một số vụ việc xảy ra trong nửa cuối năm 2022 làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và nhìn chung một số vấn đề “căn cơ” của thị trường chưa được giải quyết (pháp lý, nguồn cung khan hiếm, mất cân đối cung cầu…).

Đại diện VNREA cũng dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam hết năm 2023 sẽ vẫn còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III/2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính…

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, ngành bất động sản trong nửa cuối năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự chủ động hơn từ các doanh nghiệp. BVSC cho rằng, Nghị định 08 sửa đổi thay thế Nghị định 65 đã tạo cơ chế để doanh nghiệp bất động sản giảm áp lực thanh toán trái phiếu hoặc thanh toán bằng bất động sản. Áp lực đảo hạn trái phiếu trong 2023 – 2024 được chuyển sang năm 2024 – 2025.

Bên cạnh đó, Thông tư 02 về cơ cấu nợ tạo cơ chế để Ngân hàng xem xét cơ cấu nợ cho các lĩnh vực khó khăn (BĐS thuộc trong danh sách các ngành nghề được cơ cấu). Thời hạn cơ cấu tối đa 12 tháng. Thông tư giúp các khoản nợ đáo hạn từ 2023 đến tháng 6/2024 chuyển sang 2024 – 2025.

Theo BVSC, việc trì hoãn kéo giãn các khoản nợ đến hạn sang thời điểm khác. Áp lực sẽ quay trở lại trong cuối 2024 và năm 2025. Ngành Bất động sản cần quyết liệt cơ cấu từ nay đến cuối 2024.

Về nguồn cung, BVSC dự báo, nguồn cung mới sẽ phục hồi trở lại khi pháp lý cải thiện; các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng để cải thiện dòng tiền. Các dự án sẽ triển khai trở lại và bán mới trong quý III/2023 như: cụm dự án thành phần ở Vinhomes Grand Park (Origami, The Masterise Centre Point, Vinhomes Glory, Glory Hights); các dự án Hưng Thịnh (Avatar, Moonlight Thủ Đức, 9X Hóc Môn…); một số dự án riêng lẻ như Privia, Akari…

Công ty chứng khoán này cũng cho rằng, các doanh nghiệp có quỹ đất lớn có thể tạo ra cơ hội chuyển mình nếu tái cơ cấu hiệu quả. Theo BVSC, triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm 2023 phục hồi chủ yếu thị trường thứ cấp do giá điều chỉnh giảm mạnh và doanh số bán hàng sơ cấp vẫn sẽ ở mức thấp. Và quỹ đất lớn là điều kiện để doanh nghiệp có thể vực dậy khó khăn khi dòng vốn đi tìm cơ hội M&A mạnh mẽ hơn trong 2 quý cuối năm 2023.

Đình Đại