Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc chuỗi nhà hàng bún chả Hà Thành cho biết, dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, đơn vị cũ là Công ty TNHH tinh hoa ẩm thực Hà Thành không thể duy trì hoạt động. Vì thấy việc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 tại Hà Nội đã được phủ rộng khắp, thành phố cũng cho phép các cửa hàng được phục vụ tại chỗ nên ông Cường đã mạnh tay mua lại chuỗi 4 cửa hàng bún chả Hà Thành vào tháng 7/2021.

doanh-nghiep-do-an-2

Dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp F&B khó có thể duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, sau một thời gian, đơn vị đã buộc phải thu gọn quy mô để giảm chi phí nhân sự, thuê nhà và điện nước bằng việc cắt giảm 2 cửa hàng ở số 1 Yên Xá, Hà Đông và lô D5, Cụm làng nghề Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì. Hiện đơn vị chỉ tập trung vào 2 cửa hàng kinh doanh chính là ở CT1-2 Mễ Trì, Nam Từ Liêm và 9B Nguyễn Cảnh Dị, Đại Kim, Hoàng Mai.

“Khách chưa nhiều, hoạt động chưa ổn định, nay lại phải dừng phục vụ ăn uống tại chỗ theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, việc chỉ được bán mang về, bán hàng online đã gây thêm nhiều khó khăn cho hoạt động của nhà hàng”, ông Cường nói.

Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc bán hàng café Highlands tại khu vực Hà Nội cho biết, Highlands hiện có 150 cửa hàng rải đều tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, mức thuê mặt bằng có giá dao động từ 20-80 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Đơn vị đã chuẩn bị kỹ các phương án, tích luỹ kinh nghiệm phòng chống dịch trong suốt thời gian qua và đã có khả năng kinh doanh linh hoạt để thích nghi với tình hình dịch bệnh trong dài hạn.

Tuy nhiên, quyết định của thành phố Hà Nội đã có tác động rất lớn tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Để thực hiện nghiêm quy định, đơn vị phải đóng cửa 80% cửa hàng và cho nghỉ việc hơn 80% trong số hơn 4.000 lao động đang làm việc cho Highlands.

“Chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng cho nhân sự trong ngành khi đã cận kề Tết mà còn bị giảm thu nhập, mất việc làm trong khi họ mới quay trở lại làm việc không lâu”, ông Dũng bày tỏ.

Mới đây, những nhà sáng lập và chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B) đã có văn bản gửi lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị cho phép hàng quán ở Hà Nội bán tại chỗ.

Cụ thể, các doanh nghiệp cho biết ngay khi ngành F&B đang dần hồi phục thì lại “lảo đảo đứng không vững” vì liên tiếp các quận, huyện ở TP Hà Nội cấm bán hàng tại chỗ.

Theo các chủ doanh nghiệp, việc hạn chế bán hàng tại chỗ khi dịch mới ở cấp độ 3 là chưa đúng với Nghị quyết 128. Họ kiến nghị UBND TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ theo Nghị quyết này.

Những quy định này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong phục hồi kinh doanh mà còn kéo theo hệ lụy cho người lao động và toàn ngành kinh tế.

Xét ở góc độ người lao động, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy gần 40% lao động cả nước làm việc trong ngành dịch vụ (bao gồm du lịch, khách sạn, F&B).

doanh-nghiep-do-an-1

 

Riêng nhân sự ngành F&B, theo VCCA, chiếm khoảng 10% dân số. Khi chỉ cho phép bán mang về, trong trường hợp những hàng quán không thể vận hành theo mô hình này, người lao động sẽ mất việc làm và thu nhập.

Còn đối với thành phố, ngân sách sẽ bị ảnh hưởng do doanh nghiệp không thể mở cửa kinh doanh. Chưa kể, việc cấm bán tại chỗ còn cản trở việc thu hút thực khách quốc tế, trong bối cảnh phục hồi du lịch.

“Việc cấm phục vụ tại chỗ không chỉ làm giảm độ hấp dẫn của ngành du lịch, mà còn làm du khách lo ngại nhiều hơn về mức độ an toàn và khả năng phòng dịch của nước ta khi đưa ra quyết định”, các doanh nghiệp nhấn mạnh.

Do đó, các doanh nghiệp đề xuất UBND TP cân nhắc và xem xét các biện pháp hạn chế thực sự có hiệu quả, nâng cao thói quen phòng ngừa của người dân thay vì tạo thêm khó dễ.

“Việc đưa ra thời gian đóng cửa trước 21h cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi thời gian mở cửa kinh doanh quá ngắn, chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu của thực khách”, kiến nghị thư nói thêm.

Hiện nay, một số phường, quận ở Hà Nội chỉ cho phép hàng quán bán mang về. Với những địa phương cho phép phục vụ tại chỗ, thời gian mở cửa chỉ được kéo dài đến 21h.

Khánh Hà