Việc các doanh nghiệp phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung ứng đang tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp cung cấp công cụ đo lường khí thải carbon.
Các công ty khởi nghiệp về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) đang phát triển các công cụ cho phép các công ty tính toán lượng khí thải carbon từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và các nhà cung cấp dọc theo chuỗi giá trị của họ để đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về việc báo cáo phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, các công ty lớn đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc tiết lộ lượng phát thải gián tiếp, hay còn gọi là phát thải phạm vi 3. Theo nhà điều hành sàn giao dịch Hong Kong Exchanges and Clearing, các công ty niêm yết lớn nhất sẽ bắt buộc phải báo cáo về lượng phát thải phạm vi 3 từ ngày 1/1/2026 .
Tương tự, các công ty niêm yết tại Singapore cũng phải báo cáo khí hậu, bao gồm công bố thông tin về phát thải khí nhà kính theo lộ trình từng giai đoạn. Cụ thể, từ năm tài chính 2025, tất cả các công ty niêm yết ở Singapore phải báo cáo về lượng phát thải phạm vi 1 và 2. Từ năm tài chính 2026, các công ty này cần công bố lượng phát thải phạm vi 3. Bắt đầu từ năm 2027, các công ty lớn chưa niêm yết ở Singapore cũng phải báo cáo lượng phát thải của họ theo lộ trình.
Theo ông Benjamin Soh, Giám đốc điều hành của công ty công nghệ tài chính ESG Stacs có trụ sở tại Singapore cho biết, những quy định mới xung quanh việc công bố phát thải phạm vi 3 đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp SME sẽ cần phải bắt đầu công bố lượng khí thải của mình nếu họ muốn hợp tác kinh doanh với các công ty lớn.
“Tuy nhiên, có thực tế rằng các doanh nghiệp trong khu vực vẫn chưa bắt đầu hoặc chỉ đang tiến hành các bước đầu để thực hiện công bố. Do đó ngày càng nhiều các doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho phép tính toán lượng khí thải dọc theo chuỗi cung ứng”, ông Soh cho biết thêm.
Cụ thể, nền tảng ESGpedia của Stacs cung cấp cho doanh nghiệp SME dịch vụ miễn phí để tính toán khí thải trực tiếp của họ (phạm vi 1) và khí thải gián tiếp từ năng lượng mua từ bên ngoài (phạm vi 2), cũng như các điểm dữ liệu phổ biến khác về ESG. Nếu các công ty lớn cần tổng hợp dữ liệu phát thải phạm vi 3 từ các doanh nghiệp SME và các nhà cung cấp khác trên nền tảng ESGpedia sẽ phải trả phí.
Ông Soh cho biết: “Những điểm dữ liệu từ các nhà cung cấp sẽ được thu thập và đưa vào một tập dữ liệu chung; sau đó sẽ được chuyển đổi thành một báo cáo ESG hoàn chỉnh”. Được biết, nền tảng này theo dõi dữ liệu bền vững của khoảng 7.700 công ty niêm yết tại 6 thị trường ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cùng với một số thị trường khác trong khu vực.
Hiện nay, châu Á và Trung Quốc là những nước đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và có rất nhiều công ty cần khử carbon. Trong khi đó, châu Âu và Pháp đã phát triển nhiều phương pháp hiệu quả để đánh giá khí thải nhà kính của các công ty và giúp họ giảm dấu ấn carbon.
Theo ông Emmanuel Delplanque, đồng sáng lập của doanh nghiệp khởi nghiệp Downundered, với nhu cầu tăng nhanh, ngày càng nhiều doanh nghiệp đo lường khí thải của châu Âu tìm đến châu Á-Thái Bình Dương để giúp cắt giảm lượng khí thải của các công ty trong ngành thời trang và hàng tiêu dùng nhanh.
“Với thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm, các doanh nghiệp châu Âu đang muốn mở rộng hoạt động ở Trung Quốc, nơi có hoạt động sản xuất sôi động hàng đầu tại châu Á. Chúng tôi sẽ tập trung vào thị trường này kể từ tháng 8/2024 để phát triển các hoạt động ở Thượng Hải nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung”, ông Delplanque tiết lộ thêm.
Trong năm tới, các doanh nghiệp ở Đông Nam Á sẽ cần đẩy nhanh việc thắt chặt quản lý khí thải nhà kính, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà quan sát trong ngành nói với The Business Times rằng, khả năng cạnh tranh của các công ty sẽ phụ thuộc vào sự sẵn sàng của họ trong việc tuân thủ các quy định về ESG. Hiện nay, hầu hết hàng xuất khẩu từ Đông Nam Á sang châu Âu là hàng hóa sản xuất nằm ngoài các danh mục hiện được áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Nhưng có khả năng điều này sẽ nhanh chóng thay đổi.
Joseph Chun, chuyên gia tại Shook Lin & Bok cho biết: “Một số quốc gia Đông Nam Á vẫn phụ thuộc vào than và hầu hết không có cơ chế định giá carbon. Các nhà xuất khẩu đang cố gắng thu thập dữ liệu về phát thải khí nhà kính (GHG) cũng có thể phải chịu thêm chi phí. Đây là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp cung cấp giải pháp đo lường khí thải”.
Cẩm Anh