Các Bộ, ngành, địa phương cũng như người nông dân trồng vải của Việt Nam rất mong chờ quả vải được xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh khi tiếp ông Yamada Takio, Tân đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Tin tưởng vào tinh thần thương mại tự do theo luật lệ như Việt Nam và Nhật Bản đã theo đuổi trong suốt thời gian qua thông qua các khuôn khổ như CPTPP, RCEP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Đại sứ quan tâm và nhờ Đại sứ chuyển lời giúp đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản MOTEGI Toshimitsu, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản KAJIYAMA Hiroshi giúp làm việc với các cơ quan liên quan phía Nhật Bản để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lô hàng vải tươi đầu tiên của Việt Nam sang Nhật Bản trong năm 2020.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sau 5 năm chờ đợi và hoàn tất quy trình đánh giá rủi ro mở cửa thị trường (Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam vào tháng 12/2019), Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như người nông dân trồng vải của Việt Nam rất mong chờ quả vải được xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm 2020.
Mặc dù do dịch bệnh, Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang kiểm tra thực tế, Bộ trưởng rất mong muốn Đại sứ cũng như các Bộ, ngành hữu quan của Nhật Bản có những biện pháp linh hoạt công nhận các cơ sở hun trùng vải tươi của Việt Nam, dỡ bỏ rào cản cuối cùng của việc xuất khẩu vải tươi sang Nhật Bản. Việc này nếu thành công sẽ là minh chứng sinh động cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản.
Ngoài ra, hai bên tiếp tục chia sẻ sự quan tâm trong việc đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng tại Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam luôn đánh giá cao, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư Nhật Bản, nhất là đối với các dự án năng lượng và LNG như chuỗi dự án khí lô B, nhà máy điện Ô Môn, kho cảng LNG.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của Nhật Bản và Việt Nam trong việc dẫn dắt đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và tháo gỡ, thu hẹp khoảng cách giữa các nước trong đàm phán RCEP. Việt Nam và Nhật Bản đều mong muốn tiếp tục thúc đẩy hoàn tất đàm phán, ký kết RCEP với sự tham gia đầy đủ của 16 nước thành viên.
Việt Nam và Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tham vấn, đối thoại với các đối tác chính nhằm tìm ra những phương án phù hợp để giải quyết các vướng mắc hiện tại. Bên cạnh đó, với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cũng sẽ tham vấn, làm việc với các nước ASEAN khác để tìm sự đồng thuận trong nội khối, cùng phối hợp trao đổi và thuyết phục các bên thể hiện sự linh hoạt nhất định để Hiệp định RCEP có thể kết thúc hoàn toàn đàm phán và được ký kết trong năm 2020 như chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao các nước RCEP.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Tổng sơ đồ điện VIII của Việt Nam dự kiến được phê duyệt vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, sẽ tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào hạ nguồn năng lượng, các dự án LNG ở Việt Nam… Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai cụ thể các quy định pháp luật về hợp tác công-tư (PPP) để mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng trong thời gian tới.
Cuối cùng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Đại sứ và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sử dụng môi trường trực tuyến trong trạng thái bình thường mới. Tận dụng các sáng kiến hợp tác như Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam – Nhật Bản, hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực phát triển các ngành công nghiệp, nâng cao giá trị chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, Bộ Công Thương và Bộ METI sẽ phối hợp nghiên cứu thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam để hình thành các cụm công nghiệp, các khu hậu cứ cho ngành công nghiệp ô tô, chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.
Nguyễn Việt