Người tiêu dùng số đi chợ “mạng”

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay 70% dân số Việt Nam truy cập internet, hơn 70 triệu người có tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó khoảng 51 triệu người từng mua sắm trực tuyến.

Là lĩnh vực tăng trưởng nóng trong thời điểm dịch bệnh COVID – 19 với sự tham gia của các tập đoàn nước ngoài, nhiều giải pháp công nghệ được chuyển giao, các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện nhanh, thuận tiện và ổn định. Người tiêu dùng mua hàng qua  mạng cảm thấy yên tâm hơn.

anh-1-TMDT

Mua hàng trực tuyến đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người tiêu dùng

Một vài năm trước, một số ý kiến cho rằng, hạ tầng thanh toán là rào cản hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử thì đến năm 2022, theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Tuấn, rào cản này đã được gỡ bỏ. Hiện hơn 70% người trưởng thành đã có tài khoản các ngân hàng thúc đẩy sự phát triển rất nhanh và mạnh của thanh toán không dùng tiền mặt. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng thanh toán trên internet tăng trưởng hơn 70%. Thanh toán trên điện thoại di động còn cao hơn.

Rào cản thứ hai, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết là hoạt động logistic nhưng đến nay, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử, logistic trong thương mại điện tử nói chung và giao hàng chặng cuối- giao hàng cho tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng từ 30% – 60%. Lĩnh vực này đang thu hút đầu tư của các công ty vận chuyển trong nước và FDI với những ứng dụng công nghệ mới kết nối việc giao hàng thuận tiện, là nền tảng mở đường cho kinh doanh trực tuyến phát triển.

Các hình thức kinh doanh trực tuyến không đơn điệu như trước đây với sự xuất hiện của các mô hình mới dựa trên nền tảng của kinh tế chia sẻ hay công nghệ blockchain tạo thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng và thị trường kinh doanh trực tuyến trở nên đa dạng hơn. Tốc độ phát triển đạt trên 20% trong những năm gần đây của thương mại điện tử là minh chứng cho nhận định trên.

Công cụ hạn chế phát sinh từ tăng trưởng nóng

Sau dịch COVID – 19, kinh doanh trên mạng đã giảm tốc nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt ở hai con số. Dự báo trong những năm tới, thương mại điện tử tiếp tục phát triển, sàn thương mại điện tử trở thành kênh mua bán, giao dịch chính thức của người tiêu dùng.

Đặc biệt, công nghệ phát triển, kinh doanh trực tuyến sẽ hiện đại và thuận tiện hơn khi có sự kết hợp với nền tảng của các mạng xã hội hay sự phát triển của các siêu ứng dụng cho phép khách hàng kết nốivà mua sắm mọi thứ. Từ số liệu của Google, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam có thể lên đến 29% và doanh thu đạt khoảng 57 tỷ USD.

anh-2-TMDT

Doanh nghiệp định vị thương hiệu với người tiêu dùng bằng kinh doanh có trách nhiệm.

Cùng với sự tăng trưởng nóng, kinh doanh trên nền tảng số đang phát sinh nhiều tồn tại. Bà Nguyễn Quỳnh Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết: khiếu nại của người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử gia tăng; một số hành vi biến tướng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng như đánh cắp, mua bán thông tin của người tiêu dùng mà không được phép; kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không đảm bảo chất lượng…  Những tồn tại trên gây khó khăn cho các cơ quan, các tổ chức liên quan trong việc thực hiện quản lý, giám sát, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến những doanh nghiệp đang làm ăn chân chính.

Từ thực tế trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cùng với UNDP Việt Nam đề xuất sáng kiến xây dựng Bộ quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bộ quy tắc này áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử và những doanh nghiệp có website thương mại điện tử hoặc trên các nền tảng số.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết: kinh doanh có trách nhiệm trở thành yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và định vị thương hiệu doanh nghiệp trong lòng tiêu dùng. Hiện nay hệ thống quy định cho việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm hết sức chặt chẽ, hướng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với nền kinh tế, môi trường cũng như xã hội, góp phần tạo nên thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp trênthương trường.

Điều này tạo cơ sở thuận lợi để đẩy mạnh thực hiện kinh doanh có trách nhiệm trong kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, theo đại diện của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử áp dụng thực hiện cho các doanh nghiệp nên cần đảm bảo tính thiết thực, khả thi và dễ sử dụng, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.

Việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm với doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến là khuyến khích, dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng là điểm cộng để doanh nghiệp gia tăng thị phần, nhất là xu hướng tiêu dùng bền vững đang là lựa chọn của khách hàng.  Dự kiến, trong tháng 1/2023, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh qua mạng trong cả nước để trao đổi, tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp về Bộ quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử để hoàn thiện trước khi ban hành.

Hạnh Lê