Chuyển tới nội dung

Định hướng phát triển thương hiệu cà phê đặc sản của Việt Nam

Bám sát nhu cầu cà phê đặc sản đang tăng ở tất cả các thị trường trong và ngoài nước. Ngày 9/12/2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Ban Quản lý dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam tại 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá và đưa ra tổng kết chung, cà phê là cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao của Việt Nam. Diện tích cà phê Việt Nam hiện có trên 664.000ha; sản lượng cà phê đạt trên 1,5 triệu tấn/năm; trong đó, cà phê Robusta chiếm diện tích lớn (93%), còn lại là cà phê Arabica. cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ hai sau Brazil.

cfeds2929

(Hình minh họa) 

Tuy nhiên, hiện tại trên thị trường cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam chỉ có tiếng về sản lượng, còn chất lượng chưa được thừa nhận, giá trị hạt cà phê Việt chưa được đánh giá cao. Nguyên nhân do cà phê Việt Nam chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới; cơ cấu sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao vẫn còn thấp; xuất khẩu cà phê nhân chiếm 93%, còn lại là chế biến sâu.

Tại Việt Nam, sự phát triển cà phê đặc sản ở cấp địa phương đã bắt đầu từ năm nay, có giá bán khá cao trên thị trường nhưng khối lượng cà phê đặc sản ở Việt Nam sản xuất năm 2019 chỉ đạt khoảng 200 tấn. Việc phát triển cà phê đặc sản là nhu cầu cấp bách và hướng đi phù hợp. Đề án “Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam” nhằm cụ thể hóa phương hướng phát triển cà phê đặc sản với mục tiêu khẳng định chất lượng thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung và tăng thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cà phê nói riêng. Đề án xây dựng các phương án và định hướng phát triển cà phê đặc sản Việt Nam đến năm 2030 cũng phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa, góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tại cuộc hội thảo cũng có nhiều tham luận chuyên sâu, nghiên cứu về chất lượng đất và cà phê vùng khảo sát, các yếu tố tác động đến phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, vị trí quy mô các vùng sản xuất cà phê đặc sản và các phương án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Trên thực tế, phát triển cà phê đặc sản cũng là mong muốn của nông dân. Tuy nhiên. Hiện tại, nông dân vẫn hái cà phê xanh/non nên cần khuyến khích nông dân hái chín, thu mua cà phê chín sẽ giữ được chất lượng cà phê, tạo tiền đề tốt phát triển cà phê đặc sản. Cùng với đó, cũng cần có định nghĩa chính thống về cà phê đặc sản, phân biệt cà phê đặc sản với cà phê hữu cơ, phát triển cà phê đặc sản phải gắn với cà phê chất lượng cao, không phát triển theo số lượng mà phải đáp ứng nhu cầu của thị trường. Áp dụng đúng quy trình và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cà phê đặc sản của thế giới. Với chiến lược là không mở rộng diện tích trồng mới, chỉ phát triển tại các vùng có điều kiện phù hợp, trên cơ sở cải tạo các vườn cà phê hiện có và trồng tái canh đối với diện tích già cỗi, kém hiệu quả, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong quá trình trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản, chế biến cà phê. Mục tiêu đến năm 2025, cà phê đặc sản đạt khoảng 5% tổng diện tích trồng cà phê và tăng diện tích lên 7% vào năm 2030.

Đề án “Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam” được thực hiện trên địa bàn 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; trong đó tập trung vào cà phê chè và cà phê vối.

 

Quốc Cường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved