Với giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt 710 triệu USD, tăng 10,6% so với năm 2018, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trở thành điểm sáng của xuất khẩu nông nghiệp.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, trong tổng kim ngạch 41,3 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản của năm 2019, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,5 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, điểm mặt các mặt hàng nông sản chủ lực chứng kiến đa số sụt giảm về giá trị. Cụ thể, mặt hàng chủ lực là gạo chứng kiến sự sụt giảm sâu về giá trị xuất khẩu năm 2019. Theo đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2019 đạt 474 nghìn tấn với giá trị đạt 214 triệu USD. Tổng kết cả năm 2019, nước ta xuất khẩu 6,34 triệu tấn gạo, đem về 2,79 tỷ USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018.
Cùng cảnh, mặt hàng rau xuất khẩu trong tháng 12/2019 đã thu về 320 triệu USD. Tổng giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2018.
Thậm chí, xuất khẩu cà phê còn chứng kiến giảm sâu cả về sản lượng và giá trị. Tháng 12/2019 ước đạt 126.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê năm 2019 ước đạt 1,59 triệu tấn và 2,75 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so với năm 2018.
Đối với mặt hàng hồ tiêu, tháng 12/2019 xuất khẩu 17.000 tấn, thu về 41 triệu USD. Lũy kế cả năm 2019, xuất khẩu hồ tiêu đạt 284 nghìn tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018. Năm 2019, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm 23,6% so với năm 2018.
Trong tháng 12/2019, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu 43.000 tấn với giá trị 300 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều năm 2019 ước đạt 457 nghìn tấn và 3,29 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng nhưng giảm 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trái với sắc màu ảm đạm của nhóm các ngành hàng nông sản kể trên, cao su đạt được tăng trưởng dương. Theo đó, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 12/2019 đạt 181.000 tấn với giá trị đạt 238 triệu USD, đưa xuất khẩu cả năm 2019 đạt 1,68 triệu tấn và 2,26 tỷ USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 8,3% về giá trị so với năm 2018. Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 66,5%, 8,3% và 3%.
Cùng với điểm sáng cao su, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 12/2019 ước đạt 65 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả năm 2019 lên 710 triệu USD, tăng 10,6% so với năm 2018. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trở thành điểm sáng nhất trong xuất khẩu nông sản.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân trong nước và một phần cho xuất khẩu, tuy nhiên nội tại của ngành vẫn còn nhiều tồn tại. Trong khi đó, đa phần mô hình chăn nuôi đều có quy mô nhỏ, mức đầu tư thấp, trình độ quản lý kém khiến năng suất, chất lượng thấp, khó kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, năng lực giết mổ tập trung và chế biến sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế, chủ yếu giết mổ nhỏ lẻ và chế biến thủ công nên giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, khó tiếp cận thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, thiếu tính liên kết, chưa xây dựng được các chuỗi giá trị thực phẩm từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ cũng là yếu điểm của lĩnh vực chăn nuôi.
Vì vậy, trong giai đoạn 2020 – 2030, ngành chăn nuôi định hướng phát triển các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, các sản phẩm chăn nuôi quốc gia bao gồm: lợn, gia cầm, bò sữa, bò thịt được sản xuất theo hướng hàng hóa trong các trang trại hiện đại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp để đảm bảo năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, quan trọng nhất là phải tổ chức được các ngành hàng chăn nuôi theo chuỗi liên kết, phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã, giảm thiểu tối đa các hộ chăn nuôi ngoài chuỗi, không biết nuôi theo tiêu chuẩn nào và bán cho thị trường nào.
Ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho rằng, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, chỉ xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm là chưa đủ mà phải gắn liền với định hướng thị trường.
“Khác với nền chăn nuôi tự cung tự cấp trước đây, hiện nay, thị trường hàng hóa và thực phẩm rất đa đạng, nguồn cung cũng dồi dào, không chỉ từ chăn nuôi trong nước mà có cả sản phẩm ngoại nhập. Chính vì vậy, việc dự báo thị trường và định hướng chăn nuôi phù hợp với nhu cầu tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành hàng”, ông Nguyễn Văn Mấy nhấn mạnh.