Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030. Tại Đề án, Việt Nam sẽ phấn đấu để trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

thuysan-1

Để ngành chế biến thủy sản Việt Nam đạt mục tiêu như đề ra, cần nhiều hơn nữa sự cải cách, các phương án phù hợp thực tế để doanh nghiệp, ngư dân cùng thực hiện. (Ảnh: Đình Đại)

Đầu tư hạ tầng đồng bộ

Theo mục tiêu của Đề án, đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%. Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên.

Ngoài ra, Đề án cũng đặt mục tiêu hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới. Đặc biệt, giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa ước đạt 40.000 – 45.000 tỷ đồng, góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-16 tỷ USD.

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án cũng đã đề ra các nhiệm vụ cần thiết như tổ chức thực hiện việc kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản từ nuôi trồng, khai thác và nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chế biến, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, Đề án cũng nhấn mạnh việc tuân thủ các điều kiện, quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế, đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.

Trong tất cả các tiêu chí, cơ sở hạ tầng mang yếu tố quyết định để đưa ngành nghề phát triển. Do đó, cần chú trọng hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ giữa các địa phương, trong đó hướng mũi “chia sẻ” đến khối đầu tư tư nhân thông qua cơ chế đối tác công – tư (PPP). Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, vẫn không ít địa phương còn thiếu chủ trương, quy hoạch đúng hướng để phát triển ngành thủy sản như mục tiêu ban đầu.

Lấy ví dụ, Đà Nẵng được xác định là 1 trong 5 bến cá lớn của quốc gia thế nhưng hiện nay bến cá tại đây vẫn còn chật chội và cơ sở hạ tầng vẫn chưa đủ đáp ứng được nhu cầu của việc phát triển ngành thủy sản. Việc thiếu nguồn vốn đầu tư đã khiến cho bến cá trở nên “ảm đạm” hơn nhiều so với lợi thế vốn có.

Khâu tìm kiếm các dịch vụ hậu cần luôn khiến cho ngư dân đau đầu vì khó có thể tìm đủ nguyên liệu cùng một chỗ và tốn nhiều thời gian trong việc này. Không những gặp khó trong khâu tiếp nhiên liệu, ngư dân còn gặp khó trong việc vận chuyển sản lượng đánh bắt lên bờ cũng như tìm đầu ra. Hiện nay vấn đề cầu cảng và bến cá vẫn đang trong quá trình nâng cấp nên cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đồng bộ.

Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh nói rằng tình hình phát triển của ngành thủy sản hiện nay vẫn chưa thể bộc phá là bởi chưa có những chủ trương quy hoạch đúng hướng. Việc thiếu chính sách thu hút đầu tư đã khiến cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chưa nghĩ đến việc triển khai các dịch vụ phụ trợ phục vụ cho hoạt động đánh bắt cũng như chế biến thủy sản.

Hiện nay các hoạt động hậu cần, hỗ trợ đều phát triển mang tính tự phát, đơn lẻ, không đồng bộ, thiếu tính hệ thống nên chưa tạo được kết nối, hỗ trợ quản lý, điều hành, giám sát hoạt động khai thác thủy sản. Chính quyền cần có nhiều chính sách hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp nhiều hơn nữa để cùng hợp tác, đầu tư xây dựng cơ sở, phát triển dịch vụ và cùng nhau quản lý. Như vậy mới đúng tinh thần của cùng hợp tác phát triển”, ông Trần Văn Lĩnh nói.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, địa phương cần nới lòng cơ chế để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, để doanh nghiệp quản lý và thu phí. Hoặc theo hướng khác, phía doanh nghiệp sẽ đầu tư và bàn giao chính quyền quản lý rồi cùng chia lợi nhuận với nhau.

Tránh thẻ đỏ IUU

Một vấn đề bức thiết khác, ngành thủy sản Việt Nam hiện nay bị gắn thẻ vàng do hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản chưa tuân thủ các quy định của IUU. Việc khắc phục của Việt Nam vẫn bị đánh giá là chưa đủ thuyết phục Ủy ban châu Âu (EC). Vì vậy, hàng thủy sản hiện nay vẫn còn gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường EU.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU. Dựa trên đánh giá của VASEP, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU.

Vì vậy, bài toán cho ngành thủy sản trong thời gian tới là cần phải cấp bách tháo gỡ cảnh cáo của EC về nguồn gốc xuất xứ thủy sản. Hoặc chí ít là khắc phục để không phải nhận thẻ đỏ IUU.

danhbatca

Ở khâu đánh bắt, cần tránh thẻ đỏ IUU nếu không sẽ mất đi một thị trường lớn là Châu Âu.

Ông Trần Quang Kiến – Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam nhận định việc tuyên truyền các quy định, luật pháp về đánh bắt, khai thác đối với ngư là là cả một quá trình, đặc biệt là việc vi phạm các vùng biển nước ngoài. Trong bối cảnh hiện tại, ngư dân đã nhận thức được trách nhiệm bảo vệ biển của mình, tuy nhiên hướng đến việc phát triển chung của ngành cần nhiều hơn thế.

“Tuy Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương đang tập trung tháo gỡ thẻ vàng IUU nhưng bài toán gỡ thẻ vẫn đang trong vòng mong manh. Chỉ mong vấn đề IUU đừng chuyển từ thẻ vàng sang đỏ khiến khai thác đánh bắt gặp bất lợi”, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam nói.

Tuấn Vỹ