Không chỉ đơn thuần như sự cạnh tranh giữa Adidas và Nike, những đối thủ trong lĩnh vực kinh doanh đồ thể thao toàn cầu. Adidas và Puma, hai thương hiệu thời trang thể thao lớn của thế giới này còn có một mối thù truyền kiếp đến hơn 60 năm…

Khởi đầu là anh em…

Khởi đầu Adidas và Puma được thành lập tại thị trấn nhỏ Herzogenaurach của nước Đức. Adolf “Adi” Dassler, người anh là người sáng lập chính của tập đoàn đa quốc gia này. Sau đó, em trai của ông là Rudolf “Rudi” gia nhập vào năm 1924. Và họ cùng nhau đặt tên cho công ty của mình là “Dassler Shoe Factory – Nhà máy giày anh em nhà Dassler”.

AdiRudi

Những người sáng lập lên Adidas và Puma: Adolf “Adi” và Rudolf “Rudi” Dassler.

Cả hai đề làm việc chăm chỉ, một người đảm nhiệm kinh doanh và một người lo khâu sản xuất. Adi thì trầm lặng, ít nói trong khi người em Rudi lại hoạt bát, nóng nảy. Chính vì khác biệt trong tính cách nên hai anh em thường xuyên xảy ra tranh cãi. Nhưng, trong kinh doanh họ lại tạo ra một cặp bài trùng ăn ý.

Adolf là người cần cù và sáng tạo, ông là người đã tạo ra phiên bản cập nhật của giày chạy bộ có mũi nhọn và việc thay thế những chiếc gai kim loại nặng bằng cao su và vải bạt. Công ty ngày càng “ăn nên làm ra” và đạt đến đỉnh cao trước chiến tranh thế giới thứ hai với việc bán được 200.000 đôi giày thường xuyên.

Năm 1933, anh em nhà Dassler gia nhập NSDAP (Đảng Công nhân Đức Quốc xã, Adolf Hitler, giữ chức Thủ tướng). Ngoài ra, họ cũng trở thành thành viên của Lực lượng Cơ giới Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia. Công ty của anh em nhà Dassler là công ty ngoài quốc phòng duy nhất hoạt động trong chiến tranh.

Nhưng cho đến năm 1943, họ buộc phải ngừng kinh doanh và chuyển hướng hoạt động của mình sang việc cung cấp vũ khí chống tăng cho Đức quốc xã. Sau đó, với sự thắng thế của phe Đồng Minh trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ đã gần như phá hủy nhà máy Dassler sau chiến tranh vì họ đã sản xuất vũ khí chống tăng.

Chia tay vì câu nói

Anh em nhà Dassler, Adolf và Rudolf, chia tay vào năm 1947 do quan hệ gia đình rạn nứt. Thực tế mọi việc chỉ là sự hiểu lầm đáng tiếc liên quan đến một câu nói của Adolf.

Dassler

Nhà máy giày anh em nhà Dassler.

Khi Adolf đang trong hầm trú bom thì Rudi cùng gia đình cũng đến trú tại đó. Adi khi ấy đã thốt lên: “Bọn khốn kiếp đó trở lại rồi”, ý muốn ám chỉ máy bay đánh bom của quân Đồng Minh. Rudolf hiểu lầm câu nói ấy là nhắm vào mình và gia đình, nên đã rất tức giận, hai anh em không nhìn mặt nhau từ đó.

Chính điều này đã góp phần vào việc công ty của anh em nhà Dassler đã chia tách. Adolf lấy tên từ tên của mình là “Adi” Dassler để thành lập ra Adidas. Trong khi Rudolf đặt tên cho công ty của mình là Ruda (và sau đó được gọi là Puma). Các công ty của họ nhận được đăng ký chính thức vào ngày 18 tháng 8 năm 1949.

Hận thù triền miên

Anh em nhà Dassler cùng với hai thương hiệu Adidas và Puma, bước chân vào thị trường và trở thành đối thủ kinh doanh không đội trời chung của nhau.

AdidasPuma

Adidas và Puma trở thành đối thủ kinh doanh không đội trời chung.

Đã từng có thời điểm, sự hận thù của cả hai đã lan ra toàn bộ thị trấn, nơi mà cả hai cùng đặt nhà máy. Người dân ở đây hầu hết đều làm việc cho một trong hai thương hiệu trên, nên họ buộc phải chọn phe, và cách duy nhất để biết đối phương có thuộc “phe” mình hay không là cúi xuống và nhìn giày của họ, thế nên người ta gọi Herzogenaurach là “Thị trấn của những cái cổ bị bẻ cong”.

Sự hận thù giữa hai thương hiệu trong thị trấn đã đi xa đến mức gần như mọi thứ không thể có khái niệm “tồn tại song song”. Các doanh nghiệp, người buôn bán ở địa phương chỉ được “chơi” với hoặc Adidas hoặc Puma. Các cuộc hẹn hò hay cưới xin giữa nhân viên ở hai công ty cũng bị nghiêm cấm. Ngay cả hai câu lạc bộ bóng đá của thị trấn cũng bị chia rẽ: câu lạc bộ ASV Herzogenaurach được thương hiệu adidas hỗ trợ, trong khi FC Herzogenaurach đi giày của Puma.

Sau này, chính tạp chí Fortune  đã xếp cuộc thương chiến hận thù giữa hai thương hiệu Adidas và Puma vào danh sách “Những cuộc đối đầu kinh doanh lớn nhất mọi thời đại”.

Mãi đến năm 2009, mọi thứ mới có thể dịu đi khi nhân viên của hai công ty đã tổ chức một trận bóng giao hữu để kết thúc mối hận thù kéo dài hơn 60 năm, chỉ vì một sự hiểu lầm đáng tiếc.

Ngày nay với sự nổi lên của Nike, Puma đang mất dần vị thế là đối thủ kinh doanh xứng tầm của Adidas. Nhưng, không thể phủ nhận mối mâu thuẫn khó giải giữa adidas và Puma vô tình đã mang đến cho gia tộc Dassler và thị trấn nhỏ Herzogenaurach hai thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Nguyễn Chuẩn