Hiếm có năm nào, nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như thịt lợn, thuỷ hải sản, bánh kẹo, trái cây… vẫn giữ giá khuyến mại đến ngày 29 Tết như năm nay.
Năm nay người dân tại Hà Nội sắm Tết muộn hơn. Bắt đầu từ 27 Tết – trước ngày làm việc cuối cùng của năm, lượng khách đến siêu thị, cửa hàng tiện ích sắm Tết mới tăng mạnh hơn từ 4 – 5 lần so với ngày thường. Kinh tế khó khăn hơn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, xu hướng tiêu dùng Tết vì thế cũng đã thay đổi: lựa chọn hàng hoá có giá thành phù hợp, mẫu mã đẹp.
Với 70.000 đồng, chị Phạm Diệu Linh ở tập thể Vũ Thạch, quận Đống Đa đã mua được một hộp bánh có trọng lượng 500gr của thương hiệu Việt. Hộp bánh được thiết kế như túi quà với màu đỏ đặc trưng của không khí Tết. Cải tiến về hình thức, hộp bánh lịch sự hơn và giá cả phải chăng.
Không chỉ bánh kẹo, năm nay, thực phẩm tươi sống và trái cây – những mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong ngày cận Tết vẫn đang duy trì mức giá tốt. Đến nay, hầu hết các hệ thống phân phối lớn tại Hà Nội như BRG mart, Lotte, Winmart… đều đang chạy chương trình bán thịt lợn không lợi nhuận với mức giảm đến 30% so với ngày thường. Đây là điều hiếm có trên thị trường Tết trong những năm gần đây.
Cùng với thịt lợn, nhiều mặt hàng trái cây Việt vẫn đang giữ giá ổn định như ngày thường như ổi lê, đu đủ, dưa hấu hay các loại bưởi, cam… Thậm chí, một số mặt hàng thuỷ sản như nõn tôm đang giảm giá “mua một tặng một” với mức 180.000 đồng/kg.
“Dù có thắt chặt chi tiêu thì đây là những mặt hàng không thể thiếu trong những ngày Tết. Thời điểm này, giá cả không tăng nhiều như những năm trước. Hàng hoá dồi dào, nhiều thương hiệu mới như sản phẩm thịt gà, năm nay có thêm 2-3 nhà cung cấp, loại nào rẻ và ngon là chúng tôi mua thôi”, chị Lê Kiều Nga ở phố Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Long – Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết, do nguồn cung dồi dào nên giá thịt lợn năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Hợp tác xã vẫn giữ ổn định sản lượng để đảm bảo cung ứng từ 150-200 tấn thịt lợn bảo đảm an toàn thực phẩm cho thị trườngTết năm nay.
Đặc biệt, ngoài các dòng hàng phổ thông, năm nay các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng cường thêm sản phẩm OCOP đặc sắc như gà cúng cánh tiên; các loại mỳ, phở, bún khô, miến đặc sản có bổ sung thêm tinh chất tỏi đen, dưa hấu, bưởi khắc chữ Phúc, Lộc, Thọ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân…
Bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: TP Hà Nội đã liên kết 53 tỉnh, thành phố đưa sản phẩm OCOP, đặc sắc vùng miền từ các địa phương về Hà Nội tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, 85 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP nằm tại các khu dân cư của Hà Nội. Ngoài ra, sau dịch COVID -19, kênh bán hàng trực tuyến (zalo, fanpage, website) tiếp tục đẩy mạnh. Các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp sản xuất cập nhật thường xuyên hơn các chương trình Tết, sản phẩm chủ lực; tương tác và hỗ trợ người tiêu dùng đặt hàng nhanh hơn. Sức mua qua kênh trực tuyến đã chiếm đến 30%, có nơi là 50% góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, giảm tải cho kênh bán hàng trực tiếp.
Theo ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành hệ thống phân phối Big C & GO! khu vực Hà Nội và miền Bắc, đến thời điểm này, lượng tiêu dùng tại siêu thị tăng 20% so với năm trước. Các mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau, trái cây có sức tiêu thụ tăng 5-7 lần so với ngày bình thường.
Hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích tại Hà Nội sẽ mở cửa phục vụ đến chiều 30 Tết, thời gian bán hàng được đẩy lên sớm hơn và đóng cửa muộn hơn.
Hạnh Lê