Ấn Độ còn tồn tại nhiều rào cản để sẵn sàng thay thế Trung Quốc, trên cả vai trò là trung tâm sản xuất hoặc thị trường tiêu dùng.
Với việc đảng của đương kim Thủ tướng Narendra Modi dường như sẽ chiến thắng cuộc bầu cử đang diễn ra, không có lý do gì để Ấn Độ không tiếp tục con đường phát triển kinh tế và chính trị mạnh mẽ như đã thấy trong suốt thời gian qua.
Tăng trưởng GDP quý 1/2024 của Ấn Độ đạt 8% giữa lúc kinh tế thế giới còn lao đao, càng làm nổi bật sức mạnh nội tại của Ấn Độ. Hàng chục tập đoàn đa quốc gia đang khám phá những cơ hội kinh doanh tiềm năng để rót hàng tỷ USD vào Ấn Độ.
Một trong những kỳ vọng lớn lao của Mỹ và phương Tây khi gắn kết với Ấn Độ không chỉ là khai thác một thị trường mới khổng lồ, mà còn là mong muốn năng lực sản xuất của Ấn Độ có thể bù đắp cho chuyển dịch khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Satyajit Das, một chuyên gia tài chính gốc Ấn, kỳ vọng Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc còn đầy thách thức, được thể hiện qua chính sách xoay trục của Mỹ sang Ấn Độ dường như “không rõ ràng” cả về mặt kinh tế và chiến lược.
Những điểm nghẽn của Ấn Độ
Thứ nhất, dù có sự tăng trưởng nhanh trong thập kỷ vừa qua, GDP tính theo sức mua tương đương của Ấn Độ vẫn chưa bằng 40% của Trung Quốc. Như vậy, nền kinh tế Ấn Độ khó có thể cung cấp một giải pháp thay thế có ý nghĩa cho Trung Quốc như một động cơ tăng trưởng toàn cầu.
Theo Satyajit Das, tốc độ tăng trưởng cao hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào khác, dự báo ở mức 6,8% trong năm nay – không hoàn toàn phản ánh sức mạnh ngày càng tăng của thị trường. Thay vào đó, sản lượng ngày càng tăng của Ấn Độ chủ yếu là chi tiêu cơ sở hạ tầng khổng lồ của chính phủ và khắc phục những hậu quả của việc cắt giảm thời kỳ Covid.
Những lo ngại dai dẳng bao gồm nợ công và tư nhân ngày càng tăng và thâm hụt tài khoản vãng lai không ổn định. Chủ nghĩa tư bản thân hữu, những trở ngại đa dạng đối với hoạt động kinh doanh và tình trạng tham nhũng dai dẳng là những vấn đề được thừa nhận, theo Das.
Việc các công ty nước ngoài dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Ấn Độ để giảm sự phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc cũng tỏ ra khó khăn. Mặc dù chi phí lao động ở Ấn Độ thấp hơn 2/3 nhưng điều này vẫn không bù đắp được cho trình độ học vấn chưa cao, năng suất thấp và chất lượng đầu ra không đồng đều.
Do đó, Ấn Độ khó bù đắp cho sự suy giảm lực lượng lao động giá rẻ, dồi dào và có năng lực của Trung Quốc. Dù là quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 40% dân số dưới 25 tuổi, nhưng tỷ lệ sinh của Ấn Độ đã bắt đầu giảm xuống dưới mức 2,1 ca sinh trên mỗi phụ nữ. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chỉ là 55% vì khoảng 2/3 phụ nữ Ấn Độ không tham gia lực lượng lao động.
Mặt khác, dù được tung hô như một thị trường tiêu dùng tiềm năng, nhưng Ấn Độ khó so bì với Trung Quốc về mức độ tiêu thụ các sản phẩm phương Tây. Mức thu nhập trung bình người Ấn chỉ bằng 1/5 mức thu nhập của Trung Quốc, điều này sẽ hạn chế nhu cầu tiêu dùng ở Ấn Độ. Còn tới 12 triệu người Ấn Độ đang cần tìm việc mới mỗi năm.
Mỹ và “bài học Trung Quốc” tại Ấn Độ
Theo nhiều học giả phương Tây, niềm tin của Mỹ từ năm 1979 rằng xây dựng quan hệ gần gũi Trung Quốc sẽ dẫn tới sự tự do hóa về kinh tế và chính trị là một sai lầm. Thay vào đó, sự tiếp cận này đã tạo ra một đối thủ hùng mạnh cạnh tranh về kinh tế và địa chính trị với chính Hoa Kỳ.
Theo Das, cách tiếp cận tương tự đang diễn ra tại Ấn Độ. Dù là một quốc gia có nhiều điểm tương đồng với phương Tây, nhưng rõ ràng ông Modi đang theo đuổi một con đường tương đối độc lập.
Dễ thấy nhất, bất chấp là đối tác thân thiết của Mỹ và EU, Ấn Độ vẫn là nhà nhập khẩu dầu hàng đầu của Nga, phần lớn trong số đó được lọc và tái xuất khẩu, tạo ra lợi nhuận đáng kể.
Bên cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy thị trường Ấn Độ ngày càng khắt khe với hàng hóa nhập khẩu hơn. Trong giai đoạn 1991 – 2014, thuế nhập khẩu trung bình của nước này đã giảm từ 125% xuống 13%. Nhưng dưới thời ông Modi, mức thuế nhập khẩu trung bình đã tăng lên 18%.
Theo hệ thống giám sát được đưa ra vào tháng 11/2023, các nhà nhập khẩu phải đăng ký các lô hàng máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác và sau đó có thể phải xin giấy phép để đưa các sản phẩm đó vào Ấn Độ.
Bởi vậy, theo Das, việc tung hô nền kinh tế Ấn Độ một cách quá mức có thể gây phản ứng ngược, đó là giảm bớt sự nhiệt tình của Ấn Độ đối với các cải cách kinh tế, đặc biệt là liên quan đến nông nghiệp, quy định kinh doanh, trợ cấp, thị trường lao động và đầu tư nước ngoài.
Trường Đặng