Mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng việc tăng thuế quan đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ là một trong các biện pháp mà quốc gia này trả đũa Bắc Kinh khi để dịch COVID-19 lây lan thời điểm ban đầu. Không chỉ dừng lại ở đó, Washington cũng kêu gọi các đồng minh tham gia vào chiến dịch gây sức ép lên Bắc Kinh.

Liệu cú bắt tay giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ra sao hậu COVID-19?

Có thể thấy, đây chỉ là một phần những tín hiệu cho thấy quan hệ cạnh tranh giữa hai siêu cường giờ đang chuyển sang ngã rẽ mới tệ hơn, đẩy thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung vào “cái chết” khi cuộc chiến ngôn từ và đổ lỗi qua lại giữa hai nước xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông.

Thay vì gắn kết để chống lại đại dịch, hai quốc gia đã đẩy mối quan hệ vốn đã căng thẳng lên một nấc thang mới. Căng thẳng song phương khởi phát từ đại dịch cho đến thời điểm này cho thấy một luồng quan điểm cứng rắn hơn về Trung Quốc đang ngày một gia tăng trong lòng nước Mỹ.

Trong khi Quốc hội Mỹ trở thành nơi công kích Trung Quốc, theo một cuộc thăm dò mới của Trung tâm nghiên cứu Pew, 66% người dân Mỹ cho rằng cần cảnh giác hơn với cường quốc châu Á, đặc biệt là sau khi quan điểm chủng virus Corona mới đến từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc được phổ biến rộng rãi dù đến nay chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào.

Sau đó, Trung Quốc cũng đã có hành động chế giễu phản ứng mâu thuẫn của Mỹ thông qua một đoạn phim hoạt hình được đăng tải trực tuyến bởi Tân Hoa Xã. Thời báo Hoàn Cầu, trong một bài xã luận hồi đầu tuần nay, cáo buộc Mỹ đang hạ bệ uy tín của Trung Quốc để giúp Tổng thống Trump tái đắc cử.

Trên thực tế, sự đổ vỡ này không phải là một bất ngờ lớn. Sự phụ thuộc địa chính trị có thể dẫn đến xung đột, đặc biệt là nếu một trong hai đối tác bắt đầu đi theo con đường riêng của mình. Trong trường hợp này, sau một thập kỷ tái cân bằng bằng cách chuyển từ xuất khẩu và đầu tư sang tăng trưởng do người tiêu dùng, từ sản xuất sang cung cấp dịch vụ đã đưa quốc gia này vào một vị thế khác.

Điều này đã gây ra tâm lý khó chịu đối với một nước Mỹ đang dần phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Bị bỏ lại phía sau, nước Mỹ cảm thấy giận dữ và cần phải hành động, sự giận dữ này dẫn đến sự đổ lỗi, và bây giờ là xung đột.

Do đó, giới chuyên gia nhận định, dù Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã có cuộc điện đàm để trao đổi quan điểm, nhưng nhiều khả năng, Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến mới với Trung Quốc trên nhiều mặt trận hơn, tạo điều kiện thúc đẩy sự chia tách giữa hai cường quốc lớn nhất trên thế giới và để nhắc nhở Trung Quốc về vị trí của mình.

Tuy nhiên, như Derek Scissors, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) cảnh báo, cuộc chiến này sẽ không dễ dàng và Mỹ sẽ là quốc gia phải hứng chịu những hậu quả đắt giá so với Trung Quốc.

Sau COVID-19, tình thế đã xoay chuyển khi Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1930, còn Trung Quốc dường như hưởng lợi thế hơn từ việc khống chế dịch bệnh tốt, tạo điều kiện cho nền kinh tế sớm khôi phục lại

Việc khơi mào một cuộc chiến mới với Bắc Kinh sẽ đẩy Washington mất một nguồn hàng hóa giá rẻ, đồng thời nền kinh tế Mỹ cũng sẽ mất đi một thị trường lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ rơi vào tình trạng phá sản khi không thể cùng lúc đối phó với việc trả nhiều thuế hơn nữa và khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Như vậy, khi bản chất mâu thuẫn này chưa thể giải quyết triệt để thì căng thẳng có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Dịch bệnh tác động đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu vô tình trở thành chất xúc tác cho sự xa rời hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng cũng có thể, hậu COVID-19, thế giới sẽ được chứng kiến Mỹ và Trung Quốc có thể bước sang một mối quan hệ kiểu mới.