Đáng chú ý là so với giá mua điện áp dụng trước ngày 30/6/2019 (mức chung là 9,35 cent một kWh), giá mua dự án điện mặt trời giảm đáng kể. 

Sau hơn 9 tháng Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, Chính phủ vừa quyết định giá mua điện mặt trời mới và sẽ áp dụng từ ngày 22/5.

Giá mua điện mặt trời giảm đáng kể

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, quy định giá mua điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới.

Cụ thể, dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng Biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện.

Đáng chú ý là so với giá mua điện áp dụng trước ngày 30/6/2019 (mức chung là 9,35 cent một kWh), giá mua dự án điện mặt trời giảm đáng kể.

Cụ thể, giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent/kWh (tức 1.644 đồng/kWh), giảm hơn 440 đồng mỗi kWh so với quy định trước đây. 1783 đồng/kWh tương đương 7,69 UScent/kWh đối với dự án điện mặt trời nổi. 1943 đồng/kWh tương đương 8,38 UScent/kWh đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm  thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 UScent/kWh theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10/4/2017 là 22.316 đồng/USD), được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Đối với các dự án điện mặt trời nối lưới không đáp ứng được điều kiện có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại tới hết ngày 31/12/2020 và không thuộc các dự án ở tỉnh Ninh Thuận như nói trên thì sẽ được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh.

Đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, điểm mới trong quyết định là trường hợp bên mua điện không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị được ủy quyền, giá mua điện và hợp đồng mua điện do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Như vậy, bên mua điện và bên bán điện có thể tự thỏa thuận về giá cả, cách thức để sử dụng điện trực tiếp từ hệ thống năng lượng mặt trời.

Đây là quyết định được các nhà đầu tư điện mặt trời quy mô lớn lẫn các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời trên mái nhà chờ đợi bởi quyết định cũ đã hết hiệu lực từ 1/7/2019, tức hơn 9 tháng tồn tại ‘khoảng trống’ chính sách.

Sẽ có làn sóng đầu tư mới?

Phát triển các dự án điện mặt trời mới là một yếu tố quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam đạt các mục tiêu biến đổi khí hậu về cắt giảm khí thải trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và giảm nhu cầu phát triển các dự án điện than mới.

Theo các nhà đầu tư điện mặt trời, hình thức này phù hợp với mô hình đầu tư điện trên mái các nhà xưởng, các trung tâm thương mại hoặc các cao ốc để bán lại điện cho người sử dụng bên dưới.

Phát triển điện mặt trời áp mái sẽ giúp giải toả phần nào cung ứng điện căng thẳng tới đây. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 mới có gần 19.400 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt, tương đương công suất 318 MW.

Nhìn lại một năm “’chạy nhanh, phanh gấp’ của điện mặt trời mới thấy rằng, các nhà đầu tư ồ ạt chạy dự án trước 30/6 để hưởng ưu đãi nhưng sau vạch đích là sự ngưng lại.

Trung tâm Điều độ hệ quốc gia (A0) cho biết, cuối tháng 6/2019 họ phải lập tổ công tác đóng điện mặt trời, nhân lực chia 3 ca, 5 kíp để phối hợp liên tục giữa các trung tâm điều độ các miền. 5.000- 6.000 tin nhắn được A0 trao đổi với các chủ đầu tư điện mặt trời mỗi ngày, liên tục từ 6h đến 0h hôm sau. 3-4 nhà máy điện mặt trời được đóng điện mỗi ngày, để số này kịp vận hành trước ngày 30/6.

Số nhà máy đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian ngắn là điều mà theo một lãnh đạo EVN thừa nhận, “chưa từng có trong lịch sử” ngành điện.

Giai đoạn bùng nổ qua đi, sự trầm lắng trở lại trên các công trường dự án điện mặt trời lỡ hẹn với mốc 30/6. Theo số liệu cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ 1/7 đến cuối năm 2019 chỉ có 2 dự án điện mặt trời hoàn tất điều kiện vận hành thương mại (COD), là Nhà máy Hacom Solar (40,3 MW) và Solar Park 01 (40 MW).

So với hơn 4.000 MW điện mặt trời được đưa vào hệ thống từ tháng 4 đến hết tháng 6/2019, đã có sự chững lại về số lượng. Hai lý do được các nhà đầu tư đưa ra, là chưa có giá mua điện mặt trời mới sau ngày 1/7 và “độ vênh” giữa quy hoạch nguồn và lưới điện truyền tải.

Một doanh nghiệp điện mặt trời tại TP.HCM cho rằng với quyết định này của Chính phủ đã cởi bỏ được sự chờ đợi bấy lâu nay. “Chúng tôi đã chờ đợi quyết định này suốt hơn 9 tháng qua. Từ khi giá khuyến khích cũ hết hiệu lực, thị trường điện mặt trời áp mái chậm lại do các chủ đầu tư lắp đặt điện mặt trời sau ngày 30/6 không biết đến khi nào mới được nhận tiền bán điện từ EVN”.

Theo đó, thời hạn áp dụng giá mới chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa. Do đó, 9 tháng tới sẽ là cuộc chạy đua đầu tư điện mặt trời, bởi nếu làm trong giai đoạn này, chủ đầu tư sẽ được hưởng giá bán điện cố định theo USD trong suốt 20 năm tới.