Có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió ngoài khơi và là nền tảng để thúc đẩy ngành công nghiệp này, tuy nhiên cũng có rất nhiều thách thức cho ngành công nghiệp mới này ở Việt Nam.
Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, độ sâu mực nước nông và tốc độ gió cao, ổn định, trung bình dao động 8-10m/s. Đây là tiềm năng rất lớn để Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi và là nền tảng để thúc đẩy ngành công nghiệp này.
Có thể khái quát cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển điện gió ngoài khơi bằng năm cơ hội: Thứ nhất, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn. Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam ngày một tăng cao, nhu cầu đầu tư lớn, đó là cơ hội để phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Giá thành sản xuất điện của điện gió ngoài khơi có xu hướng tiếp tục giảm cũng là một cơ hội cần nhắc tới.
Yếu tố thứ tư là khi các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, nhiệt điện than bị hạn chế phát triển thì điện gió ngoài khơi sẽ là một ngành quan trọng trong tương lai. Và yếu tố thứ năm, theo tôi là nhu cầu chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ gắn với cam kết giảm phát thải khí nhà kính đang trở thành vấn đề cấp thiết, quan trọng trong sách lược phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường của các nước trong đó có Việt Nam là một điều kiện để phát triển ngành công nghiệp mới này ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì còn không ít những thách thức. Từ thực tế với tập đoàn T&T Group, chúng tôi thấy có 4 thách thức chính:
Thứ nhất, khung chính sách chưa đầy đủ và hoàn thiện. Việc khai thác nguồn điện gió ngoài khơi vẫn còn là một ngành công nghiệp mới ở Việt Nam, mức độ thành công của nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong số đó yếu tố quan trọng nhất vẫn là làm sao hoạch định sớm được một khuôn khổ pháp lý với các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư đủ mạnh và thuyết phục, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thực hiện phát triển 6 GW đến năm 2030, làm nền móng và trụ đỡ vững chắc cho mở rộng phát triển mạnh mẽ sau năm 2030.
Nhưng đến nay, Việt nam vẫn chưa có đầy đủ công cụ pháp lý đủ mạnh, chẳng hạn như Luật hoặc thấp hơn là Nghị định về phát triển năng lượng tái tạo. Phần lớn các Văn bản về thể chế và chính sách đã ban hành trong thời gian qua hoặc được lồng ghép vào các Quyết định, hoặc Chiến lược, v.v….
Chính vì thiếu công cụ pháp lý mạnh nên dẫn đến một số hạn chế trong việc khai thác tài nguyên ổn định và bền vững (chẳng hạn như Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió đã hết hiệu lực được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nối tiếp đã gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy).
Đối với dự án điện gió ngoài khơi, hiện chưa thấy có tiêu chí hoặc thuật ngữ định nghĩa thế nào là một dự án điện gió ngoài khơi? Do vậy, cần phân định cụ thể trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII ranh giới giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi. Nếu không làm rõ được vấn đề này thì sẽ gây ra vướng mắc cho cả nhà đầu tư lẫn các địa phương và các bộ ngành.
Thứ hai, vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong phát triển điện gió ngoài khơi. Không giống như điện mặt trời và điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi đại diện cho các công trình hạ tầng quy mô lớn, và do đó có rủi ro về đầu tư rất lớn đối với các nhà phát triển và đầu tư dự án.
Việt Nam đã thành công trong phát triển điện gió trên bờ, gần bờ. Tuy nhiên điện gió ngoài khơi vẫn còn rất mới tại Việt Nam và hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi thật sự nào được triển khai. Vì vậy, ngành công nghiệp này vẫn chỉ đang trong giai đoạn đầu của quá trình học hỏi phát triển. Nói một cách khác, kinh nghiệm và sự trưởng thành của ngành năng lượng tái tạo trên bờ tại Việt Nam không thể được chuyển giao áp dụng cho ngành điện gió ngoài khơi vì đây là công nghệ rất khác biệt
Thứ ba, mặc dù đã giảm nhưng chi phí quy dẫn (LCOE) vẫn còn cao và có sự chênh lệch về chi phí quy dẫn LCOE khá lớn giữa các vùng/miền của Việt Nam.
Các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được phân bổ theo vùng (6 vùng điện lực). Quy mô công suất sẽ được chuẩn hóa trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Các địa phương sẽ quyết định việc lựa chọn quy mô, vị trí cụ thể căn cứ vào các yếu tố chính gồm: chi phí sản xuất điện, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải và hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội các địa phương.
Nếu chỉ có một biểu giá áp dụng chung cho các vùng thì rất khó phát triển điện gió ngoài khơi ở khu vực các tỉnh miền Bắc bởi, sự chênh lệch khá lớn về tốc độ gió dẫn đến chênh lệch lớn về hệ số công suất và làm cho sản lượng điện của các dự án điện gió ngoài khơi giữa các khu vùng cũng cũng có sự khác nhau khá lớn, dao động từ 20% thậm chí đến trên 25%.
Thứ tư, thời gian còn lại không nhiều khi chỉ còn 7 năm để thực hiện đạt mục tiêu 6 GW – đây là một thách thức rất lớn.
Theo chúng tôi được biết, một dự án Điện gió ngoài khơi thường đề xuất có quy mô công suất lớn (từ 2 – 5 GW) và sẽ được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn phù hợp với khả năng hấp thụ, truyền tải công suất. Giai đoạn đầu thường đề xuất phát triển với công suất trung bình khoảng trên dưới 1 MW.
Với quy mô này, cần tổng thời gian từ công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện đầu tư; đến COD sẽ mất khoảng từ 7 – 8 năm. Hiện nay, đã bước sang Quý IV/2023, như vậy chỉ còn khoảng 7 năm đến năm 2030. Do vậy, nếu việc lựạ chọn dự án, lựa chọn Nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi không sớm được đẩy nhanh theo các trình tự thủ tục thì mục tiêu 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 là rất khó khả thi.
Với những thách thức trên, chúng tôi kiến nghị: cần sớm hoàn thiện và ban hành các chính sách phát triển điện gió ngoài khơi. Quan trọng nhất là đưa điện gió ngoài khơi vào Luật Năng lượng tái tạo hoặc sửa Luật Điện lực.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm cho triển khai khảo sát địa kỹ thuật, địa vật lý và đo gió để đánh giá tiềm năng và đầu tư trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Chúng tôi cũng kỳ vọng sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành để khơi thông điểm nghẽn cho điện gió ngoài khơi – một ngành công nghiệp mới, cực kỳ quan trọng và có khả năng phát triển rất mạnh này trong thời gian tới.
Một vấn đề cần nhấn mạnh khác là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành điện gió ngoài khơi. Đây là ngành công nghiệp cao do vậy cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chuyên gia, kỹ sư, các nhà quản lý… có trình độ cao mới có thể đáp ứng được các yêu cầu của các Dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn.
Nguyễn Đức Cường – Chuyên viên cao cấp Tập đoàn T&T Group