diengio

Theo EVN, đến thời điểm hiện nay, đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió, tổng công suất là 6038MW.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam năm 2021.

Theo EVN, đến thời điểm hiện nay, đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió, tổng công suất là 6038MW.

Căn cứ báo cáo của các chủ đầu tư, tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại của các dự án điện gió như sau: Số dự án đã đưa vào vận hành thương mại là 12 dự án, tổng công suất là 582MW. Số các dự án dự kiến tiếp tục vào vận hành thương mại trước 31.10.2021 là 87 dự án, với tổng công suất là 4.432MW. Số các dự án không thể vận hành thương mại trước 31.12.2021 là 14 dự án với tổng công suất là 1.024MW.

EVN cho hay, liên quan đến tình hình cắt giảm năng lượng tái tạo, thời gian tới, theo yêu cầu cắt điện đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh, để đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn 2 và tiếp tục cắt điện đường dây 500kV, 220kV nằm trong tổng thể cắt điện đấu nối mạch 3 đường dây 500kV, sẽ tiếp tục phải thực hiện tiết giảm các nguồn năng lượng tái tạo.

Giai đoạn mùa lũ và cuối năm 2021, hiện tượng thừa nguồn sẽ tiếp tục xuất hiện khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ lớn, nhất là vào các dịp lễ, tết. Từ tháng 10/12/2021, khi các nguồn điện gió vào vận hành đủ, cùng với giai đoạn mùa lũ miền Trung – Nam, lượng công suất thừa có thể lớn hơn với thời gian dài hơn.

Ngoài ra, đơn vị này nhận xét giai đoạn tháng 7-9/2021 là thời kỳ lũ chính vụ miền Bắc, thực hiện khai thác cao thủy điện và tối thiêu nhiệt điện than theo điều kiện kỹ thuật, hệ thống điện miền Bắc có thể cân đối được nguồn, truyền tải Trung – Bắc duy trì ở mức thấp.

Như vậy, nguy cơ thừa nguồn toàn hệ thống sẽ trở nên trầm trọng hơn. Mức cắt giảm năng lượng tái tạo có thể lên đến 3000/6500MW vào thời điểm thấp điểm trưa của ngày thường hoặc cuối tuần. Dự kiến sản lượng năng lượng tái tạo cắt trong mỗi tháng là hơn 180 triệu kWh.

Giai đoạn tháng 10-12/2021 là thời kỳ mùa lũ chính vụ miền Trung và Nam, khai thác cao thủy điện nên mức cắt giảm năng lượng tái tạo do quá giới hạn truyền tải 500kV cùng với thừa nguồn điện trên hệ thống trong ngày thường hoặc chủ nhật có thể đạt 6.800MW/10.800MW. Dự kiến sản lượng năng lượng tái tạo cắt trong mỗi tháng là 350-400 triệu kWh.

diengio1

Mức cắt giảm năng lượng tái tạo có thể lên đến 3000/6500MW vào thời điểm thấp điểm trưa của ngày thường hoặc cuối tuần.

Đặc biệt, trường hợp có thêm nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành sớm hơn so với tiến độ dự kiến, hoặc các thủy điện đồng loạt xả, lượng năng lượng tái tạo bị cắt giảm còn có thể cao hơn.

Trước đó, trong tháng 1/2021, loạt nhà đầu tư điện gió kêu gặp nhiều khó khăn. Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho biết, trên địa bàn Bình Thuận, Ninh Thuận có 21 nhà máy năng lượng tái tạo vận hành thì 18 trong số này là điện mặt trời, chỉ có 3 nhà máy điện gió. Tuy nhiên, việc cắt giảm công suất dự án năng lượng tái tạo vừa qua khiến nhà đầu tư gặp khó khăn.

Theo ông Thịnh, hiện đang là mùa gió tốt nhưng nhà máy điện gió trên địa bàn Bình Thuận không được huy động hết công suất. Ông Thịnh dẫn chứng, có thời điểm nhà máy chỉ được huy động 39%, bị cắt giảm 61%, nên sản lượng điện của nhà máy điện gió Phú Lạc chỉ đạt 3 triệu kWh, trong khi cùng kỳ năm 2018 là hơn 10 triệu kWh.

Cũng theo ông Thịnh, giá điện gió không hấp dẫn bằng điện mặt trời, 8,35 cent một kWh với dự án trên bờ, song kỹ thuật gió thân thiện hơn nhiều, việc huy động cũng tốt hơn điện mặt trời nhưng do phải chịu chung số phận cùng các dự án điện mặt trời nên “thiệt đơn thiệt kép”. “Đề nghị EVN đưa các dự án này ra khỏi danh sách bị cắt giảm công suất, hoặc cắt ít thôi để chúng tôi thấy rằng được đối xử công bằng”, ông Thịnh nói.