Phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo động lực mạnh mẽ đối với hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đặc biệt bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia. Từ việc thực hiện phong trào đã thu hút một lực lượng đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia thi đua sản xuất kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu.
Đa dạng những hình thức hỗ trợ
Để tạo động lực cho hội viên, nông dân vươn lên phát triển kinh tế, các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp như: Dồn điền, đổi thửa, hợp tác liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nông dân liên kết xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hợp tác xây dựng “cánh đồng lớn” tạo vùng sản xuất tập trung, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn; tín chấp cho nông dân vay vốn mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở nông thôn. Vì vậy, đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia phong trào và ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Đến năm 2020, tỉnh Lai Châu có 67.575 hội viên nông dân, đang sinh hoạt ở 987 chi hội. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Hội ND các cấp đã tạo điều kiện giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập thông qua những việc làm cụ thể như: Ủy thác với Ngân hàng CSXH giúp hội viên vay vốn; phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân để hội viên vay vốn không lãi suất; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở các lớp dạy nghề ngắn hạn; vận động hội viên tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm, tạo ra giá trị. Xây dựng, triển khai các mô hình tổ hợp tác xã phát triển kinh tế có hiệu quả như: mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); trồng, chăm sóc lúa nếp co giàng, thu mua chè sạch tại xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên)…
Theo ông Mùa A Trừ – Chủ tịch Hội ND tỉnh, các cấp Hội đã vận động hội viên phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau về cây, con giống và vay vốn không tính lãi; khuyến khích nông dân đưa cây, con giống có năng suất cao vào chăn nuôi, trồng trọt để đạt năng suất, chất lượng cao… Triển khai và vận động hội viên đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; cuối năm bình xét để khen thưởng, khích lệ tinh thần hội viên nông dân. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu với quy mô sản xuất lớn. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm người lao động trên địa bàn.
Các hoạt động thi đua phát triển kinh tế đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ 22 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 36,3 triệu đồng/người/năm (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm trung bình hàng năm từ 3-4%. Nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo còn 47% thì đến năm 2019 giảm còn 20%. Toàn tỉnh có 4.494/5.602 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Nhân rộng những mô hình hiệu quả
Để tạo động lực cho nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu, các cấp Hội ND tập trung xây dựng các mô hình hiệu quả, để nhân rộng tạo sức lan tỏa cho các hội viên nông dân học hỏi và làm theo. Từ đó góp phần làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về tư duy kinh tế, sản xuất phải gắn với thị trường; từng bước tiến tới sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh cao.
Tại Quảng Ninh, những năm qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã đẩy mạnh việc hướng dẫn, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả… Từ năm 2012-2018, các cấp Hội đã thực hiện 22 dự án, với 436 hộ nghèo và cận nghèo tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ gần 3,8 tỷ đồng. Đồng thời, vận động hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp hộ nghèo; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho hơn 1.500 hội viên nghèo, tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Đến nay, Hội ND tỉnh đã thực hiện 12 dự án mô hình phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững tại 9 xã, cho gần 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại các địa phương. Các dự án tập trung chăn nuôi, trồng một số loại cây, con giống: Trâu, gà, bò, cam, chè, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Trong năm 2019, Hội đã trao hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án: 16 con trâu giống, 55 con bò giống, hơn 8.170 con gà giống, 4.300kg cám công nghiệp, 37,1 triệu đồng thuốc thú y, 61,2 triệu đồng làm chuồng trại, 3 tấn phân bón vô cơ; tổng kinh phí gần 6,3 tỷ đồng.
Tại tỉnh Cao Bằng, các cấp Hội ND trong tỉnh đã vận động, hướng dẫn duy trì 41 mô hình kinh tế tập thể, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng chú trọng vào nhóm cây, con có thị trường tiêu thụ. Nhờ đó đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung thông qua các mô hình như: thanh long, mía, trúc sào, nuôi cá thương phẩm, chăn nuôi trâu, bò…
Ông Dương Hùng Dũng – Chủ tịch HND tỉnh Cao Bằng cho biết: Hội ND các cấp chủ động triển khai, xây dựng nhiều mô hình, dự án hiệu quả, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đơn vị, địa phương; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho hội viên, nông dân. Thời gian tới, Hội ND các cấp sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho hội viên nông dân nâng cao ý thức về SXKD, giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xây dựng xã hội phát triển. Đồng thời phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để thành lập mô hình SXKD có tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị và khả năng hoạt động SXKD của từng hộ hội viên.
Với sức lan tỏa mạnh mẽ, Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu, những mô hình sản xuất hiệu quả đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam. Đây chính là những hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Các hoạt động thi đua phát triển kinh tế đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ 22 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 36,3 triệu đồng/người/năm (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm trung bình hàng năm từ 3-4%. Toàn tỉnh có 4.494/5.602 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. |
Trọng Bình