Tính đến 8h30 sáng 10/2, đã có 40.554 ca nhiễm bệnh do virus corona chủng mới (nCov), 910 ca tử vong. Số người hồi phụ đã đạt hơn 3.300 người. Câu hỏi đặt ra lúc này là khi nào dịch mới “chạm đỉnh”.
Số người chết tăng mạnh
Theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối ngày 9/2, tổng số người chết vì virus corna chủng mới ở Trung Quốc đại lục là 908 người (tăng 97 người so với ngày 8/2).
Tính đến thời điểm này, Trung Quốc đại lục đã thêm 3.062 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên đại lục lên đến con số 40.553 ca.
Như vậy với con số ca nhiễm và tử vong mới được thông báo ở Trung Quốc đại lục, tổng số tử vong trên thế giới là 910 người (908 ở Trung Quốc đại lục, 1 ở Philippines, 1 ở Hong Kong) và số ca nhiễm vượt hơn 40.000 ca.
Báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc cho thấy, các trường hợp mới được xác nhận của Trung Quốc về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra bên ngoài tỉnh Hồ Bắc, mà thành phố Vũ Hán là tâm dịch, đã giảm trong 5 ngày liên tiếp.
Số tử vong do nCoV hiện đã vượt qua số người thiệt mạng do dịch SARS hồi năm 2002-2003. |
Tại các quốc gia khác, đã ghi nhận 2 ca tử vong do virus nCoV gây ra tại Philippines và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).
Ngày 9/2, Chính phủ Anh cũng xác nhận ca nhiễm nCoV thứ 4, trong khi Tây Ban Nha ghi nhận ca nhiễm thứ 2 tại nước này.
Tính đến thời điểm này, Pháp thông báo đã phát hiện tổng cộng 11 ca nhiễm nCoV, trong đó có 5 công dân quốc tịch Anh tới du lịch ở thị trấn Contamines-Montjoie.
Tại Việt Nam, tính đến hết ngày 9/10 đã ghi nhận 14 ca nhiễm nCoV, trong đó 3 trường hợp đã điều trị khỏi và được xuất viện. Trong 14 bệnh nhân, một người Trung Quốc và một người Mỹ gốc Việt đang điều trị bệnh nCoV ở TP HCM hiện có tình trạng sức khỏe tiến triển tốt. Những người có tiếp xúc với bệnh nhân cũng đều đã trải qua 14 ngày cách ly và hiện đều trong tình trạng khoẻ mạnh, không có các triệu chứng về hô hấp.
Khi nào dịch mới “chạm đỉnh”?
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá các ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc được thông báo hàng ngày hiện đã “ổn định” song cảnh báo còn quá sớm để cho rằng dịch bệnh đã đạt đỉnh điểm.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng, WHO đã phải thừa nhận sự chủ quan của mình. Và hôm nay (10/2), một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đã lên đường tới Trung Quốc để hỗ trợ tìm hiểu về dịch virus corona mới đang hoành hành tại quốc gia này, cũng như nhiều nước trên thế giới.
Trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng Giám đốc của WHO – Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo nhóm chuyên gia đã rời sân bay đến Trung Quốc. Nhóm do chuyên gia về vấn đề khẩn cấp y tế cộng đồng của WHO Bruce Aylward dẫn đầu.
Theo giới chuyên gia quốc tế, chưa thể thống nhất dịch nCoV sẽ kéo dài trong bao lâu. Ông Chung Nam Sơn, một chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc – người tiên phong trong cuộc chiến chống SARS năm 2003, dự đoán cuối tuần tới có thể là đỉnh dịch ở Trung Quốc và sau đó số ca nhiễm sẽ giảm dần.
Tuy nhiên, chuyên gia y khoa Gabriel Leung tại Đại học Hồng Kông ít lạc quan hơn và ước tính số ca nhiễm sẽ lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 4 hoặc giữa tháng 5. “Tôi nhận thấy khả năng tái diễn kịch bản SARS và thế giới có thể hứng chịu dịch bệnh trong vòng khoảng 5 tháng tới”, CNN dẫn lời Giáo sư Nicholls nhận định.
Trong khi đó, ông Adam Kucharski, Phó giáo sư dịch tễ bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn, nói với hãng tin Bloomberg rằng đỉnh điểm của dịch virus Corona ở Vũ Hán có thể sẽ đến vào giữa giữa tháng Hai đến cuối tháng Hai, với tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là hơn 5% trong số hơn 11 triệu dân ở Vũ Hán.
Nhiều tín hiệu tích cực
Giữa các dự báo về đỉnh dịch, giới chuyên gia y tế toàn cầu đang nỗ lực nghiên cứu thuốc đặc trị cũng như vắc xin để kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona chủng mới (nCoV).
Theo đó, Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Nhật Bản đã nuôi cấy và cô lập thành công chủng virus Corona mới gây bệnh viêm phổi cấp từ một bệnh nhân nhiễm virus tại quốc gia đó. Theo NIID, chuỗi gen của chủng virus đã được cô lập trùng khớp tới 99,9% với chuỗi gen của virus corona mà Chính phủ Trung Quốc đã công bố.
Trong virus đã được cô lập này, không có bất cứ sự biến đổi nào về gen có thể dẫn tới sự lây nhiễm hay độc tính cao hơn. Với thành công này, NIID sẽ bắt đầu quá trình phát triển văcxin phòng ngừa, thuốc chữa trị và thiết bị chẩn đoán nhanh virus corona.
Đồng thời, NIID sẽ chia sẻ chủng virus đã bị cô lập này cho các nhà nghiên cứu và công ty trong lúc cố gắng tìm ra cơ chế lây nhiễm của chủng virus nguy hiểm mới, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu về độc tính của chúng.
Viện Pasteur của Pháp cũng xác nhận đã phân lập thành công toàn bộ gene của virus corona. Nghiên cứu dựa trên mẫu từ các ca nhiễm bệnh được phát hiện tại Pháp. Kết quả nuôi cấy giúp các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu phương pháp điều trị, chẩn đoán và phòng ngừa.
Tương tự, một nhóm các nhà khoa học tại Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty Melbourne, Úc cho biết họ cũng đã tái tạo thành công phiên bản virus trong phòng thí nghiệm bên ngoài Trung Quốc. Phiên bản virus này sẽ được các chuyên gia tại Úc nhanh chóng chia sẻ đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới để nghiên cứu điều trị vắc xin.
Nga và Trung Quốc cũng đang nghiên cứu phát triển một loại vaccine phòng virus corona và Bắc Kinh đã giao cho Moscow bộ gen của virus này. Theo tuyên bố của lãnh sự quán Nga, Trung Quốc đã chuyển cho Nga bộ gen của virus corona, cho phép các nhà khoa học Nga nhanh chóng phát triển các phương pháp xét nghiệm nhanh để có thể phát hiện virus corona trong cơ thể người trong vòng hai giờ đồng hồ.
Trước mắt, Bộ Y tế Nga đã công bố 3 loại thuốc có thể dùng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus nCoV gồm ribavirin, lopinavir/ritonavir và interferon beta-1b. Các thuốc này thường được sử dụng cho các bệnh nhân viêm gan, HIV và đa xơ cứng. Đáng chú ý, Ribavirin từng được sử dụng trong điều trị dịch SARS năm 2003 ở Trung Quốc.
Hiện tại, các loại thuốc cùng phương thức điều trị và liều lượng chỉ định đã được Bộ Y tế Nga đưa ra cho các bác sĩ tại các bệnh viện trong cả nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trước khi có vắc xin chữa trị chủng virus mới.
Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu tại Canada đã thử nghiệm loại khẩu trang mới nhằm nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona.
Tại Việt Nam, ca nhiễm virus Corona thứ ba cũng đã được điều trị thành công. Đồng thời, nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona tạo tiền đề để các chuyên gia ở Việt Nam tiến tới sản xuất các kit thử nhanh, vacxin và các biện pháp dự phòng.
Đây là những hiệu tích cực trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát nhanh chóng tại nhiều quốc gia.
Hằng Thy