Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, kinh doanh trượt dốc. Trong đó các khoản lỗ lớn nằm ở nhóm doanh nghiệp hàng không, vận tải, du lịch, khách sạn và bất động sản.
Ngành hàng không lao đao và những khoản lỗ nghìn tỷ
Phóng viên đưa tin, đứng đầu danh sách lỗ hàng nghìn tỷ đồng phải kể đến Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – Mã: HVN). Trước đó, công ty hàng không này cũng đã lỗ nặng trong năm 2020.
Hiện Vietnam Airlines chưa công bố BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 nhưng dự kiến vị trí quán quân lỗ sẽ thuộc về Vietnam Airlines khi công ty mẹ Vietnam Airlines đã ước lỗ 6 tháng khoảng hơn 9.800 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng xấp xỉ 10.800 tỷ đồng. Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Tương tự, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) cũng lỗ nặng hơn cùng kỳ năm ngoái. Công ty dịch vụ hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – Mã: SAS) cũng lần đầu tiên báo lỗ.
Nguyên do Taseco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khách sạn lưu trú, du lịch, suất ăn hàng không, nhà hàng, quán ăn tại các sân bay,… Khi lượng hành khách sụt giảm vì dịch bệnh, hoạt động của Taseco cũng gặp khó khăn.
DHB, MSR, KHP, CEO, VST và những khoản lỗ trăm tỷ
Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (DHB) dù lỗ quý 2 chỉ hơn 167,3 tỷ đồng, giảm lỗ một nửa so với quý 2 năm ngoái. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 Đạm Hà Bắc lỗ gần 415 tỷ đồng.
Với Masan High-Tech Materials (MSR), nhờ hợp nhất với H.C.Starck nên quý 2 lãi gộp 554 tỷ đồng. Tuy nhiên phần lãi gộp tăng cao lại bị cấn trừ bởi sự sụt giảm doanh thu tài chính và chi phí tăng nên Masan High-Tech Materials (MSR) chỉ lãi ròng 2 tỷ đồng trong quý 2. Do quý 1 lỗ lớn nên lãi sau thuế 6 tháng vẫn âm 262,6 tỷ đồng.
Điện lực Khánh Hòa (KHP) lỗ 105 tỷ đồng trong quý 2 do việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, LNST âm 182 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 230 tỷ đồng.
Tập đoàn C.E.O (CEO) tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 126,7 tỷ đồng, nâng khoản lỗ 6 tháng đầu năm lên con số gần 164,8 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 3 liên tiếp và cũng là quý có mức lỗ cao nhất của tập đoàn này nhiều năm qua.
Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) báo lỗ quý 2 hơn 47 tỷ đồng nâng lỗ 6 tháng đầu năm 2021 gần chạm 100 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 166 tỷ đồng. Như vậy, VST đã lỗ lũy kế 2.460 tỷ đồng tính đến 30/6/2021.
Vận tải, du lịch, khách sạn, bất động sản đều khó vì Covid-19
Đứng đầu trong nhóm này là khoản lỗ của Vinasun, trong quý 2/2021, Vinasun (VNS) lỗ ròng gần 66 tỷ đồng. Dù đã giảm bớt so với cùng kỳ nhưng đây vẫn là quý thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ kể từ quý 1/2020. Tiếp đó Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) cũng báo lỗ gần 47 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua.
Vận tải Đường sắt Hà Nội – Haraco (HRT) lỗ gần 15,4 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 58,7 tỷ đồng của quý 2/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, LNST của công ty âm hơn 75,6 tỷ đồng. Đây là quý thứ 8 liên tiếp ông lớn ngành đường sắt kinh doanh gặp khó khăn và báo lỗ trong kinh doanh.
Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) lỗ sau thuế gần 59 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 23 tỷ đồng trong đó công ty mẹ chịu lỗ gần 46 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, danh sách thua lỗ 6 tháng năm nay không còn xuất hiện cái tên quen thuộc CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG). Theo đó, tập đoàn của “bầu” Đức đã ghi nhận lãi ròng 28 tỷ sau hai quý đầu năm (trong khi nửa đầu năm 2020 lỗ ròng 1.156 tỷ đồng). Riêng quý 2, công ty có lãi trở lại sau 8 quý lỗ nặng nhờ không còn phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi thậm chí còn được hoàn nhập. Song HAGL vẫn lỗ luỹ kế là 7.549 tỷ đồng tính tới hết quý 2.
Nhận định về tình hình kinh tế, phóng viên đưa tin, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên, từ tháng 1 đến tháng 6, dịch bệnh chưa lây lan trên diện rộng, các doanh nghiệp trên đà phục hồi sản xuất kinh doanh và nền kinh tế có nhiều dấu hiệu đáng mừng, kéo kết quả khả quan hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đương đầu với muôn vàn thách thức do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, vướng mắc chủ yếu của doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng, không vận chuyển được hàng, thiếu công nhân, lao động, các nhà máy phải giảm công suất. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nửa cuối năm.
Bảo An