Việc Italia vượt Trung Quốc trở thành quốc gia có số người chết vì COVID-19 lớn nhất thế giới đã gióng lên hồi chuông báo động cho các nước.
Mặc dù đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch lây lan, nhưng đến ngày 23/3 tổng số người chết vì COVID-19 tại Italy là 5.476 trường hợp.
Tỷ lệ tử vong vì nhiễm COVID-19 của Italy đang đứng ở mức 8%, cao gấp hai lần mức trung bình thế giới. Như vậy, đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia có số người chết vì virus corona chủng mới cao nhất thế giới.
Bài học của Italy cho thấy, khi hệ thống chăm sóc sức khoẻ bị quá tải vì COVID-19, sẽ có quá nhiều biến số khiến chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra sắp tới và dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
Một điều đáng chú ý, báo cáo mới nhất của OASI cho thấy, đầu tư vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Italia chỉ chiếm 6,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn các nước khác ở châu Âu như Đức hay Pháp.
Được biết, quốc gia này đã xây dựng SSN, dịch vụ y tế quốc gia vào năm 1978 theo mô hình Beveridge (hệ thống y tế dựa trên thuế thu nhập). Đây là một hệ thống y tế thống nhất và tập trung, trong đó tất cả bệnh nhân đều có quyền truy cập.
Tuy nhiên, trước khi dịch bệnh bùng phát tại Italy, đã có nhiều lo ngại về khả năng chống chịu của SSN. Đã liên tục có những báo cáo về sự thiếu hụt cơ sở vật chất như giường chăm sóc đặc biệt tại vùng tâm điểm dịch bệnh Lombardy.
Thậm chí, sự hạn chế về nhân sự cũng khiến bác sĩ làm việc theo ca phải gánh cả phần việc của các đồng nghiệp không may mắc bệnh.
Như tiến sĩ Lorenzo Casani, một quan chức quản lý bệnh viện tại thành phố Codogno, thuộc khu vực Lombardy, Italy đã đánh giá, không có những kế hoạch khẩn cấp cho các dịch bệnh đã khiến các bệnh viện nhỏ hơn tại Italy đã không được chuẩn bị để đối mặt với lượng bệnh nhân lớn khi có đại dịch xuất hiện.
Điều này cũng kéo theo việc đội ngũ y tế của Italy thiếu kinh nghiệm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời, họ cũng phải chịu áp lực lớn đưa ra những lựa chọn ngày càng khó khăn và dẫn đến tình trạng chọn bệnh nhân để điều trị khiến tỷ lệ người tử vong do COVID-19 tăng đột biến, đặc biệt là trong nhóm người cao tuổi.
Bên cạnh đó, những gì đã xảy ra ở Ý cho thấy rằng, việc chính phủ chậm ban bố tình trạng khẩn cấp với các mối nguy hiểm tiềm ẩn như dịch COVID-19 đã làm tăng sự chủ quan trong công chúng.
Khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát, người dân Italy đã không thấy sự cần thiết trong việc phải thay đổi thói quen sinh hoạt đối với một mối đe dọa mà họ không thể thấy trước hậu quả.
Do vậy, khi số bệnh nhân không ngừng gia tăng và người dân đã hạn chế tụ tập nơi đông người, những quốc gia này vẫn không thể tránh khỏi tình trạng rối loạn vì dịch bệnh.
So với những nơi kiểm soát dịch tốt như Hàn Quốc, việc tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Italy tăng nhanh cũng có thể lý giải là một phần do các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ không được xét nghiệm.
Tình trạng này đã làm sai lệch số lượng các ca nhiễm bệnh và khó khăn trong quá trình phân loại tình trạng mắc COVID-19 ngay từ những bước đầu tiên.
Hiện nay, tại Anh, Pháp và Mỹ, con số nhiễm COVID-19 đang tăng rất nhanh. Dù muộn màng, nhưng chính phủ các quốc gia này đang học tập theo Trung Quốc thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt ngay từ bước đầu như đề nghị người dân tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế như thực hiện đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và thường xuyên rửa bằng xà phòng, đẩy mạnh tuyên truyền đến dân việc hạn chế tụ tập đông người và đã đạt được một số hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, với tình hình các ca bệnh đang có dấu hiệu gia tăng gần đây, đặc biệt là việc xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 có dấu hiệu nặng, không chỉ Việt Nam cũng như các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất y tế hơn nữa để đối phó với các đại dịch có thể phát sinh trong tương lai.