Cập nhật hết ngày 1/3, thế giới ghi nhận 86.980 người mắc, 2.979 người tử vong vì dịch bệnh COVID-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) trong đó Lục địa Trung Quốc ghi nhận 2.870 người tử vong.

Hết ngày 1/3, Thế giới ghi nhận 86.980 người mắc, 2.979 người tử vong vì dịch bệnh COVID-19.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ hi vọng dịch bệnh COVID-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) sẽ giảm nhẹ khi thời tiết ấm lên.

Mặc dù chưa hiểu tường tận lý do của hiện tượng này, nhưng các loại virus gây bệnh cúm nói chung thường phát triển mạnh trong mùa lạnh, không khí khô và ít lây lan trong mùa nóng. Dựa trên kinh nghiệm này nhiều người hi vọng virus gây bệnh COVID-19 cũng có đặc tính tương tự.

Theo đó, nhiều yếu tố được cho là lý do để lạc quan khi mùa hè đến dịch bệnh sẽ giảm như nhiều nắng giúp tăng lượng vitamin D cơ thể tổng hợp, dẫn đến hệ miễn dịch mạnh hơn; độ ẩm lớn khiến virus khó lây lan; học sinh nghỉ hè nên khó xuất hiện ổ dịch lớn…

Tuy nhiên, không phải mọi chuyên gia đều đồng tình với nhận định trên và giữ quan điểm thận trọng là chúng ta chưa biết virus SARS-CoV-2 sẽ phản ứng như thế nào vào mùa hè.

“Những virus mới có nhiều vật chủ có thể lây nhiễm có thể hoạt động tốt thậm chí khi thời tiết không thuận lợi. Ngay cả khi những virus corona chúng ta đã biết có xu hướng phụ thuộc vào yếu tố mùa, thì hi vọng SARS-CoV-2 cũng có xu hướng tương tự là sai lầm”, Marc Lipsitch, Giáo sư dịch tễ học, giám đốc Trung tâm bệnh truyền nhiễm của Trường y tế công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, Mỹ nhận định.

Vị chuyên gia thậm chí còn cho rằng, quan điểm dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) biến mất vào mùa hè năm 2003 là một sai lầm phổ biến.

“Tôi cho rằng ‘biến mất’ là một từ dở tệ đã được dùng để mô tả những gì xảy ra với dịch SARS. SARS được kiểm soát nhờ những nỗ lực y tế cộng đồng mạnh mẽ, can đảm chưa từng thấy ở thời hiện đại. Dịch bệnh này không tự biến mất”, Marc Lipsitch khẳng định.

Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi COVID-19 suy yếu vào mùa hè, dịch bệnh vẫn có thể tái xuất hiện vào mùa đông. “Một kịch bản là virus Corona sẽ tự hủy vào mùa hè. Kịch bản khác là nó sẽ giảm vào mùa hè nhưng sẽ quay trở lại vào mùa đông và trở thành thứ mà chúng ta gọi là dịch, theo đó virus nCoV sẽ lan rộng ra khắp nơi”, Chuyên gia Paul Hunter tại Đại học East Anglia (Anh) cho hay.

Trong khi đó, ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về bệnh hô hấp, nhận định khả năng dịch bệnh tái xuất hiện vào mỗi mùa đông như cúm mùa rất nhỏ nếu có thể giảm tối đa số ca bệnh trong đợt bùng phát đầu tiên hiện nay.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 phụ thuộc vào vật chủ. Roy Hall – giáo sư vi trùng học chuyên nghiên cứu virus ở Đại học Queensland, Úc cho rằng, trong nhiều trường hợp, virus trở nên yếu hơn sau khi thích nghi với vật chủ là con người.

“Có những thay đổi tinh vi trong cách virus thích nghi với vật chủ mới, xảy ra trong khoảng vài tháng, sau khi virus trải qua nhiều thế hệ ký sinh ở người, nó có những thay đổi. Khi thích nghi, cách lây nhiễm sang tế bào và lan truyền của nó có thể tốt hơn hoặc dễ lây hơn nhưng ít độc hơn”, ông Hall nói.

Đồng quan điểm, Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách ở Đại học Minnesota cho rằng, cách virus lây trong cộng đồng cho thấy nhiều khả năng dịch bệnh sẽ kéo dài trong một thời gian nữa vì có đủ vật chủ cho virus bám vào.

50% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng sốt

Một nghiên cứu trên 1.099 bệnh nhân nhiễm COVID-19 của 552 bệnh viện ở 30 tỉnh và vùng tự trị ở Trung Quốc đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine phát hiện 56,2% bệnh nhân không hề bị sốt tại thời điểm nhập viện.

Cùng với đó, chỉ 11,3% bệnh nhân nhiễm COVID-19 có sốt sau khi nhập viện. Nhóm nghiên cứu không phát hiện có bất thường trong ảnh chụp X-quang hoặc CT phổi của 17,9% bệnh nhân bệnh nhẹ và 2,9% những bệnh nhân bị nặng thêm. Đây cũng là nguyên nhân sau được khám bệnh, một số bệnh nhân được cho về nhà khiến virus lây lan.