nh-chu.p-Man-hinh-2021-12-16-luc-10.24.04-CH

Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi, vận tốc gió ở độ cao 100 m đạt khoảng 9-10 m trên giây.

Thông tin này được ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Công Thương nêu tại hội thảo Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam. Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi, vận tốc gió ở độ cao 100 m đạt khoảng 9-10 m trên giây. “Nhiều địa phương trong cả nước đang đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi với Bộ Công Thương và Chính phủ, với tổng công suất lên tới 110.000 MW”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Ông An cũng cho biết, với cam kết đạt mức phát thải ròng zero vào năm 2050, Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình chi tiết đối với từng ngành, từng lĩnh vực để thực hiện cam kết của mình, trong đó có lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó dự kiến đề xuất quy mô các dự án điện gió ngoài khơi đạt khoảng 5.000 MW vào năm 2030 và tăng dần tới quy mô trên 40.000 MW vào năm 2045. Nếu điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép thì có thể phát triển nhiều hơn nữa.

Lý giải về việc chỉ phát triển 5.000 MW trong giai đoạn đầu, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo, cho biết thị trường điện gió hiện vẫn còn mới mẻ, bị ràng buộc bởi lưới truyền tải, nên Việt Nam chưa làm chủ và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.

“Đến năm 2030, Việt Nam chỉ tham gia vào lượng công suất nhất định để có thời gian tăng cường lưới điện truyền tải, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp cho điện gió ngoài khơi, mặc dù đây là nguồn tốt để thay thế dần nhiên liệu hóa thạch nhưng phải có lộ trình”, ông Tuấn Anh nói.

Trong 5.000 MW điện gió ngoài khơi mà Việt Nam sẽ phát triển đến năm 2030, theo ông Tuấn Anh, miền Bắc sẽ phát triển 2.000 MW, miền Nam là 3.000 MW. Đến năm 2045, với công suất tăng trên 40.000 MW thì điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 12% trong cơ cấu nguồn.

diengio1

Về tiêu chí chọn dự án khi số lượng đăng ký hiện rất lớn, tới 110.000 MW nhưng kịch bản tới năm 2030 trong quy hoạch VIII chỉ phát triển 5.000 MW, ông Tuấn Anh cho hay sẽ dựa vào mô hình tính toán cực tiểu, chi phí và kèm theo các ràng buộc như về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam với giảm phát thải.

Theo đó, tại mỗi vùng miền sẽ đưa ra cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn, là định hướng cho phát triển. Quy mô có thể sẽ nhỏ hơn so với nhu cầu của một khu vực, nhưng đó là kết quả mô hình tính toán tối ưu mà quy hoạch đưa ra làm cơ sở lựa chọn.

Theo đánh giá, điện gió ngoài khơi cần phải đóng vai trò quan trọng trong tổng cung năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn giúp lan tỏa, góp phần tạo ra công ăn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho lĩnh vực phát triển điện gió tại Việt Nam. Có thể nói đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức rất lớn đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét thúc đẩy tiến trình xã hội hóa phát triển lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn để đầu tư vào lưới điện truyền tải. Đây được kỳ vọng là giải pháp để tăng tốc đầu tư cho hạ tầng lưới điện truyền tải khu vực ven biển, phục vụ phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

“Mặc dù vậy, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực còn mới mẻ. Vì vậy, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết bao gồm việc xây dựng các cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện, nâng cao năng lực thi công, xây lắp và phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Mục tiêu trên hết vẫn là đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế và người dân Việt Nam với chi phí hợp lý”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á thuộc GWEC cho biết: “GWEC có niềm tin mạnh mẽ về việc điện gió ngoài khơi sẽ được triển khai tại Việt Nam trong vài năm tới.
Sau giai đoạn khởi tạo và triển khai 4-5 GW đầu tiên, điện gió ngoài khơi sẽ đạt được mức giảm chi phí đáng kể. Nếu được hỗ trợ mạnh mẽ trong giai đoạn này, điện gió ngoài khơi sẽ phát triển vượt bậc và nhanh chóng cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác”.

Linh Nga