Quất cảnh vàng rực từng dãy che bớt cả phần lá xanh và nụ hoa trăng trắng. Hoa lan đủ mọi sắc màu được tạo hình cùng với khúc lũa thành nhiều lẵng hoa tuyệt đẹp. Cái vẻ xù xì nâu nâu màu gỗ với đường vân tự nhiên khéo quyện với sắc dịu dàng thanh cảnh của các loại lan hồ điệp, dendro… như chàng mùa đông lắng lại, chìm đi để nàng lan biểu trương cho mùa xuân trỗi dậy.

Rượu, bia, mứt, bánh, kẹo, giò chả, thịt thà, nem, gà, bánh chưng… bày chật cửa hàng đủ loại đủ màu bắt mắt. Rượu màu hổ phách, bia thùng xanh, thùng đỏ, đồ trang trí đèn nháy, đèn lồng, bánh chưng xanh, giò xam xám, lá dong xanh ngăn ngắt dựng dọc lối đi, tiếng nhạc xập xình các bản nhạc xuân như níu chân dòng người xe trên phố.

Tết về trên phố và về trong lòng người.

Người ngửa mặt ngắm đào, người cúi mặt chọn lan, người ngó nghiêng vui sướng. Nhiều chị em diện áo dài, trang sức cẩn thận đi cùng đội hình chụp ảnh với đầy đủ đồ nghề, chắn sáng, máy chụp, máy quay tìm kiếm cho mình tấm hình ưng ý.

Có cả người chở duy nhất gốc đào trên xe đạp cứ đạp vòng vèo mong tìm được chủ nhân ưng ý mua gốc đào để có tiền về lo Tết cho con.

Đội ngũ chuyên chở với chiếc xe được độ khung, gắn thêm phụ kiện chỉ hai động tác là chậu quất, chậu đào đã ngồi gọn trên xe với dây níu giữ an toàn. Rồi thả mình vào dòng người hối hả chở mùa Xuân về tới ngôi nhà trong xóm nhỏ.

Còn tôi lặng lẽ nhìn, lặng lẽ cười hoà chung với niềm vui của mọi người mà đi cùng với Tết.

Sự sung túc chảy tràn từ hè phố vào đến ngóc ngách của từng ngôi nhà, cho dù năm nay kinh tế có kém cạnh so với mấy năm trước thì vẫn là đầy đủ no ấm. Nếu từ thời đầu của thời kỳ đổi mới, thì Tết đầy đủ như thế này chỉ có trong giấc mơ xa vời.

Thế đấy, cho dù có còn nhiều bất cập, nhưng thực sự thành quả của công cuộc đổi mới, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế hợp lý, sự ổn định chính trị của nhà nước chính quyền đem lại cho người dân Việt Nam những cái Tết đầy đủ, an vui. Khó khăn thiếu thốn kiểu “đói giỗ cha, no ba ngày Tết” chỉ còn lại trong câu chuyện đầy hoài niệm để giáo dục lớp trẻ sau này.

Tết đến đấy, Tết về đấy, về trên phố và về trong lòng người. Có lý gì mà không mở lòng ra cho gió Xuân tràn ngập, mở cửa ra đón Tết vào nhà.

Phong vị của ngày Tết – sự khởi đầu của chu kỳ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông với nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời như người Việt thì Tết là khoảng thời gian nhà nông rảnh rang sau vụ thu hoạch hè thu. Mùa Đông lạnh giá, đất cũng được nghỉ ngơi để cày ải, để đất hồi sức sau khi được tiếp thêm phù sa ngọt lành từ bao đợt lũ cuối Thu rồi chuẩn bị lại tận lực chăm cây lúa cho hạt sai trĩu bông vào vụ lúa Đông Xuân.

Tết đến, không còn sự buốt giá của gió mùa đông bắc, trời ấm áp, mưa Xuân làm cây cối đâm chồi, nảy lộc, hoa nở muôn nơi, lòng người thơ thới trước sự dịch chuyển của vạn vật. Các thiếu nữ không còn cuộn mình trong chăn ấm hay trong những bộ đồ dầy dặn tránh cái  lạnh mùa Đông mà xênh xang váy áo, rạng ngời giương mặt đi lễ chùa, du Xuân, đi trải hội mùa Xuân.

Tết vẫn đi cùng cuộc sống con người Á Đông như một phần tất yếu của cuộc sống. Dù hữu ý hay vô tình, chờ mong hay tránh né thì Tết vẫn đến. Người tìm thấy niềm vui khi Tết được gặp người thân từ lâu chưa gặp, là dịp để gắn kết lại tình cảm họ hàng. Người tìm được quãng thời gian nghỉ ngơi dài để được làm việc theo sở thích, chu du với chuyến du lịch ở vùng đất mới muốn được khám phá và trải nghiệm. Người vui với cuộc gặp, cuộc chơi, lễ hội tiệc tùng. Người chọn cho mình một nơi tĩnh lặng đốt trầm, đọc sách chiêm nghiệm về cuộc đời. Mỗi người mỗi vẻ chọn cách mình đi cùng với Tết…

Còn với tôi, Tết tôi chọn trở về quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi chất chứa niềm vui, nỗi buồn của tuổi thơ tôi. Nơi có người thân luôn rộng vòng tay đón tôi trở về dù tôi thành công hay thất bại. Để ra thăm phần mộ ông bà, gửi vào khói hương thơm bay lên giữa cánh đồng lời tri ân và lòng hoài niệm. Tới nhà thờ tổ của dòng họ, mong có cơ hội gặp lại họ hàng ở xa từng gắn bó một thời.

Cuộc sống cứ miệt mài với kế hoạch, dự tính, nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thôi hãy tạm đặt xuống mà thả lòng đi cùng Tết, lòng sẽ thấy nhẹ nhàng hơn mà ngắm cánh hoa đào.