Người lính xách làn đi chợ

Những ngày qua, hình ảnh người lính đi chợ giúp dân trong vùng giãn cách tại TP. HCM liên tục được các kênh thông tin, đơn vị truyền thông và người dân cả nước ghi nhận, như một hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái trong giai đoạn khó khăn.

Không chỉ hoàn thành công việc như một nhiệm vụ được giao, từng đồ ăn, thức uống, lương thực, thực phẩm được các đồng chí lựa kỹ càng như mua cho gia đình mình. Những hình ảnh như vậy xứng đáng được tôn vinh và lan tỏa rộng rãi.

Quy trình đi chợ hộ bắt đầu từ việc người dân hoàn thành phiếu mua hàng gồm: rau củ, thịt, trứng từ ngày hôm trước, và được chuyển tới các chiến sĩ vào ngày hôm sau.

Sau khi nhận đơn hàng, các chiến sĩ đến siêu thị để mùa hàng giúp người dân. Mua hàng xong tại siêu thị, các chiến sĩ kẹp hóa đơn kèm từng túi hàng, kiểm tra đủ thông tin hàng hóa, rồi mang tới từng hẻm nhỏ để giao cho người dân.

Mặc dù quy trình này đầy đủ và bài bản, nhưng cũng không tránh được những lúng túng, bất cập. Mà điển hình là hiện tượng “bom hàng” khi một bộ phận người dân bị phản ánh là “giao hàng lại không có người nhận” dẫn tới việc trả lại nhiều đơn hàng cho siêu thị.

Có một thực tế dễ nhận ra, đó là những người lính được đào tạo cầm súng đã rất nỗ lực và linh hoạt trong việc xách làn đi chợ như “shipper”. Một số ý kiến cho rằng, có nên hay không khởi động lại đội ngũ shipper công nghệ thiện chiến trong giai đoạn dịch bệnh?

Bởi bản chất việc người lính đi chợ giúp dân giữa bối cảnh TP. HCM áp dụng chỉ thị giãn cách xã hội, cũng chính là bài toán “đi chợ hộ” mà rất nhiều các siêu ứng dụng tại Việt Nam như Grab, Be Group, Loship đang cùng giải.

Trước khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, đi chợ hộ vốn là một dịch vụ được ưa chuộng bởi một bộ phận người dân có thu thập khá trở lên. Vì ngoài chi phí thực phẩm, người dân còn cần phải trả thêm một khoản phí đi chợ.

Sau này, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người dân hạn chế tụ tập, tiếp xúc nơi đông người, nên dịch vụ trên được phổ biến và ưa chuộng hơn. Nhu cầu này thúc đẩy Grab, Be Group ra mắt dịch vụ đi chợ hộ trong năm ngoái. Còn Loship là đẩy mạnh dịch vụ hiện có, vì đi chợ hộ đã xuất hiện trên Loship từ trước đó.

dicho1

Hình ảnh người lính xách làn đi chợ tại TP. HCM

Bài toán của kỳ lân

Giới chuyên gia cho rằng, với dân số khoảng 10 triệu người đang làm việc và sinh sống tại TP. HCM, đi chợ hộ xứng tầm là một “bài toán của kỳ lân” khi xét về cả quy mô thị trường, sự phức tạp về hành vi, nhu cầu của người tiêu dùng, lẫn lực lượng phục vụ.

Nói cách khác, startup nào giải được bài toán đi chợ hộ của TP. HCM lúc này sẽ có cơ hội vươn lên trở thành một kỳ lân (startup có định giá trên 1 tỷ USD) trong tương lai.

Thật vậy, từ khi gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014, Grab mất khoảng 5 năm để hình thành thói quen gọi xe qua ứng dụng cho khoảng 20 triệu người dùng trên khắp cả nước. Còn tại TP. HCM hiện là bài toán đi chợ hộ cho khoảng 10 triệu người dân.

Điều này đòi hỏi các nhà quản lý tận dụng nhiều nguồn lực xã hội để cùng giải quyết thay vì chỉ là các chiến sĩ bộ đội như hiện tại. Trong đó có việc tận dụng hạ tầng công nghệ của các ứng dụng như Grab, be hay Loship.

Đây cũng chính là tinh thần của cuộc họp bàn việc bổ sung lực lượng tài xế sử dụng công nghệ (shipper), giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và lãnh đạo TP HCM, chiều 28/8.

Theo đó, shipper sẽ được hoạt động tại quận, huyện “vùng đỏ” là Thủ Đức, 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn xét nghiệm nCoV hàng ngày, bên cạnh lực lượng shipper tại 14 quận, huyện “vùng xanh” vẫn tổ chức từ trước đến nay.

“Để khắc phục vấn đề này, tôi nghĩ sự can thiệp của công nghệ là điều cần thiết. Công nghệ sẽ giúp giải quyết triệt để vấn đề xử lý đơn hàng thủ công, cho phép thanh toán không tiếp xúc,…”, ông Nguyễn Hoàng Trung – CEO Loship nêu quan điểm.

Trong ngắn hạn, ông Trung cho rằng, các cán bộ khi mua hàng nên hạn chế tối đa thanh toán bằng tiền mặt, thay vào đó là thanh toán online quangân hàng hoặc ví điện tử, việc này sẽ giúp giảm tiếp xúc và ngăn ngừa dịchbệnh lan rộng.

“Về dài hạn, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, các quy định dành cho shipper nên được nới lỏng dần, cũng như nhận định của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính: cần một sự phối hợp chặt chẽ giữa ba lực lượng: Bộ đội- Shipper- Nhân viên siêu thị để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho dân”, CEO Loship nói.

dicho2

Cần phối hợp chặt chẽ giữa ba lực lượng: Bộ đội- Shipper- Nhân viên siêu thị

Chia sẻ nền tảng đi chợ hộ

“Chúng tôi hiểu rõ những khó khăn mà mô hình đi chợ hộ do Chính quyền TP. HCM triển khai đang gặp phải. Từ kinh nghiệm của Loship, đó có thể là các vấn đề liên quan đến: hết món, khách hàng có nhu cầu đặc biệt, hoặc khách bom hàng như truyền thông có đưa tin dạo gần đây”, ông Nguyễn Hoàng Trung nêu.

Đề xuất về mặt giải pháp, lãnh đạo Loship khẳng định sẵn sàng cho TP. HCM mượn hạ tầng công nghệ để hỗ trợ việc phân phối hàng hóa, giúp cho việc “đi chợ hộ” trở nên thuận lợi hơn, đặc biệt ở những khu vực đang hạn chế shipper hoạt động.

Theo đó, hạ tầng công nghệ của Loship sẽ giúp người dân có thể chọn được những điểm bán gần nhà nhất để đặt hàng và thực hiện thanh toán không tiền mặt. Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ hộ sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Loship và đến điểm bán để nhận hàng, giao cho người đặt theo đúng địa chỉ.

Việc ứng dụng công nghệ giải quyết vấn đề cung ứng hàng hóa sẽ giúp Chính phủ và lực lượng chức năng tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và hành động hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm, Grab Việt Nam cho biết sẵn sàng cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng gọi xe công nghệ để hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ hộ với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân tại các vùng cam và vùng đỏ..

Người dùng sẽ vào mục GrabMart trên ứng dụng, nhập địa chỉ, chọn mặt hàng và chỉ đặt hàng tại các điểm bán gần khu vực sinh sống. Lực lượng đi chợ thay, cũng sẽ tạo lập một tài khoản, bao gồm tên, số điện thoại đầu mối liên hệ, email, tài khoản ngân hàng.

Khi có đơn hàng, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab và đến điểm bán để nhận hàng, giao cho người đặt theo đúng địa chỉ.

Đại diện hãng Be Group cũng đề xuất cho phép được triển khai thực hiện “đi chợ hộ” thông qua ứng dụng Be nhằm tạo điều kiện cho người dân được đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách chống dịch.

Theo Be Group, hãng đang vận hành một đội ngũ với hơn 3.000 tài xế beBike (xe 2 bánh) đã được tiêm vắc-xin mũi 1 đảm bảo đủ sức khỏe và điều kiện hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, tính năng Đi chợ hộ đã được triển khai trên ứng dụng Be hơn 1 năm nay, mang lại sự quen thuộc, dễ thao tác cho người dân tại TP. HCM.

Theo TheLeader