detmay

Điều khiến các doanh nghiệp dệt may lo lắng nhất trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là quy tắc xuất xứ từ vải.

EU vốn là thị trường tiềm năng hàng đầu đối với xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết được coi là cú hích lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành dệt may, tận dụng cơ hội từ việc giảm thuế về 0% để chiếm lĩnh thị phần, mở rộng thị trường. Khi có Hiệp định EVFTA, các chuyên gia kinh tế dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định.

Điều khiến các doanh nghiệp dệt may lo lắng nhất trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là quy tắc xuất xứ từ vải. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, ngành dệt may Việt Nam chủ yếu chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản như gia công. Do đó, các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ cao của EVFTA cũng là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp ngành dệt may.

“Thách thức cực kỳ lớn đối với dệt may Việt Nam, điểm nghẽn phần cung thiếu hụt của ngành dệt may, đặc biệt là phần liên quan đến nhuộm hoàn tất. Để đạt được mục tiêu lợi ích mà hiệp định mang lại, các bộ ngành, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển khu doanh nghiệp, phần cung thiếu hụt, chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Giang nêu thực tế.

detmay2

Khi có Hiệp định EVFTA, các chuyên gia kinh tế dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định.

Cụ thể, EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) đối với hàng dệt may, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA, hàng dệt may Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, đối với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế, EU cho phép được sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản để sản xuất sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của EVFTA.

Thực tế, sản xuất vải trong nước mới đạt sản lượng 2 tỷ mét/năm, đáp ứng 25-30% nhu cầu. Trong khi đó, nguồn cung cấp vải chính yếu cho ngành dệt may Việt Nam nhiều năm qua không đến từ các thị trường mà EVFTA chấp thuận. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2020, dệt may chi 11,88 tỷ USD nhập khẩu vải, trong đó, chi nhập vải từ Trung Quốc chiếm trên 61,2%, đạt 7,27 tỷ USD; Đài Loan 1,4 tỷ USD; Ấn Độ 36 triệu USD; Hồng Kông đạt 78,1 triệu USD.

Tuy nhiên, những lo ngại trên đã phần nào được hóa giải khi Việt Nam đã đàm phán thành công với các nước EU đưa vào EVFTA điều khoản cho phép doanh nghiệp Việt Nam được cộng gộp hàm lượng xuất xứ của nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (nước đã ký FTA với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU.

“Thỏa thuận này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc, gỡ điểm nghẽn về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu vải đối với hàng dệt may xuất khẩu đi EU, tận dụng nhanh và hiệu quả EVFTA”, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định.

Trong 5 năm qua, Việt Nam nhập khẩu lượng vải từ Hàn Quốc lớn thứ hai, sau Trung Quốc, mức độ trung bình lên tới 2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng từ 17-18% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam/năm. Riêng Việt Nam có 30% lượng vải sản xuất trong nước, 70% lượng vải nhập khẩu.

Theo tính toán của Vitas, với việc tăng nhập khẩu vải từ Hàn Quốc theo thỏa thuận đã ký, hàng dệt may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50% (cộng gộp lượng vải từ Việt Nam và vải nhập từ Hàn Quốc). Điều này rất thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU.