anh2-1648087211-1648087223-5633-1648087296-enternews-1648382548

 

Theo thông tin từ SHB, robot mà họ vừa cho ra mắt là Robot – Trợ lý SAHA.

Khi khách hàng bước vào giao dịch, SAHA sẽ tự động di chuyển đến để chào hỏi, đo thân nhiệt, chỉ dẫn khách hàng đến quầy giao dịch. Ngoài ra SAHA cũng có thể hỗ trợ thông tin về các chương trình khuyến mãi, sản phẩm, dịch vụ, v.v. một cách nhanh chóng cho khách hàng. Trong trường hợp khách cần trao đổi sâu hơn với nhân viên, SAHA cũng sẽ hướng dẫn khách hàng đến đúng quầy giao dịch.

Hiện tại SAHA đang trực tiếp phục vụ khách hàng tại trụ sở SHB ở 77 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ngân hàng này cho biết sẽ tiếp tục triển khai SAHA trên toàn hệ thống trong thời gian tới.

Trên thế giới, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đã triển khai nhân viên robot phục vụ khách hàng và hỗ trợ vận hành.

Chẳng hạn giữa tháng 6/2018, sân bay Incheon (Hàn Quốc) cho ra mắt robot AIRSTAR với chức năng như một nhân viên chăm sóc khách hàng.

Những con robot này sẽ chào đón khách ở cả hai cổng của sân bay. Nếu hành khách cần thêm thông tin gì, họ có thể đến trò chuyện với AIRSTAR thông qua màn hình cảm ứng hoặc nhận diện mã vạch. Đồng thời, hành khách cũng có thể nói cho AIRSTAR số hiệu chuyến bay, robot sẽ đưa họ đến quầy check-in tương ứng. Tốc độ di chuyển của AIRSTAR là 1 mét trên giây, tương đương với tốc độ trung bình của người đi bộ, và có thể dừng lại để đợi hành khách nếu hành khách đi theo không kịp.

images1449268_ai_1-enternews-1648382589

Phóng viên Paul Neville của báo Axios kể lại trải nghiệm của mình với nhân viên robot này như sau:

“Gia đình tôi quá cảnh ở sân bay Incheon. Khi chúng tôi vừa bước ra, cô robot AIRSTAR ‘thân thiện’ chào chúng tôi và hỏi chúng tôi có cần giúp đỡ gì không. Tôi hỏi cửa hàng Starbucks gần nhất ở đâu?

Cô robot nói ‘Đi theo tôi’ và bắt đầu dẫn đường. Trên đường đi, cô thành thạo tránh các hành khách khác, nhắc chúng tôi cẩn thận các bậc thang. Thỉnh thoảng lại ngó xem chúng tôi có còn bám sát cô hay không. Rất tuyệt!”.

Robot AIRSTAR này còn cung cấp những thông tin thực tế như tình trạng kẹt xe hoặc sảnh đáp. AIRSTAR có thể hỗ trợ bằng bốn ngôn ngữ: Hàn, Trung, Nhật và Anh.

Hay gần đây hơn, tại Olympic Tokyo 2020, nước chủ nhà Nhật Bản cũng sử dụng nhiều robot để chào đón du khách lẫn hỗ trợ hậu cần.

20a23c315271bb2fe260-enternews-1648382624

 

Chẳng hạn, robot Miraitowa và Someity được thiết kế bởi Toyota Motors Corp. chuyên dùng để chào đón khách tại Olympic và Paralympic, cung cấp thông tin về trận đấu trên khán đài, hoặc đưa mọi người về chỗ ngồi tương ứng. Chúng có thể vẫy, bắt tay, phản ứng lại khi có ai ở gần, đồng thời cũng có rất nhiều biểu cảm khuôn mặt.

Ngoài ra, tại Olympic Tokyo 2020, Nhật Bản còn sử dụng một robot tên Field Support Robot để hỗ trợ các trận đấu. Con robot này có thể nhặt bóng bầu dục, tự di chuyển theo “cung đường tối ưu” khi chạy theo nhặt các đồ vật mà vận động viên ném đi. Theo Ủy Ban Olympic Quốc Tế, những chú robot như vậy vừa giúp giảm thời gian thu gom đồ vật, vừa giảm số lượng người hỗ trợ trong các trận đấu. Thậm chí, một trang tin còn nói đùa những robot này là “nhân viên hiệu quả nhất” trong kỳ Olympic.

Những câu chuyện kể trên, từ SHB, sân bay Incheon và Olympic Tokyo 2020, cho thấy sự trỗi dậy việc ứng dụng robot trong công việc. Theo đánh giá của Modor Intelligence, số liệu ghi nhận thị trường robot toàn cầu đạt giá trị 27,73 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến đạt 76,1 tỷ USD trong năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 17,45%. Cùng với việc giá thành robot đang ngày càng rẻ đi, thời của “nhân viên robot” có vẻ đang đến rất gần. SHB đã có bước đi tiên phong, doanh nghiệp nào sẽ tiếp bước?

Quân Bảo