Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, tính đến ngày 3/10, cả nước có 163 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu về số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với 38 thương nhân, tiếp theo là Cần Thơ với 35 thương nhân, Long An 22 thương nhân.
Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân xuất khẩu gạo là Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thanh Hoá.
Trước đó, tính đến ngày 22/1/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Như vậy, so với thời điểm đầu năm, hiện số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã tăng thêm 2 thương nhân.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 7 triệu tấn với trị giá 4,37 tỷ USD. Nếu tính về kim ngạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 23,5%.
Nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia,… sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta cũng đang tích cực mở rộng sang những thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Do đó, dự báo, trong năm 2024, sản xuất lúa gạo trong nước ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc và có thể dành khoảng 8 triệu tấn gạo cho xuất khẩu, thu về hơn 5 tỷ USD và là kỷ lục mới của ngành.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, Cục sẽ tiếp tục linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc…; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin thị trường; duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin từ các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ để theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường thế giới, nhất là tình hình các thị trường lớn để kịp đề xuất các biện pháp xử lý; chủ động có biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường, thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo; tăng cường các hoạt động vận động ngoại giao và chỉ đạo, hỗ trợ Thương vụ Việt Nam trong việc nắm thông tin, diễn biến thị trường, vận động cơ quan có thẩm quyền của các nước dành sự quan tâm đến nguồn cung cấp gạo từ Việt Nam và tăng cường quan hệ thương mại gạo với Việt Nam. Tổ chức mời các Đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam kết nối giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.