Dù là quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu “top” đầu thế giới, song tên tuổi, thương hiệu, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế.
Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Đặc biệt, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu ở “top” đầu thế giới. Tuy nhiên, vấn đề “xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt” còn nhiều gian truân.
Chưa “đến đầu đến đũa”
Còn nhớ tại Hội nghị tổng kết năm 2021, định hướng năm 2022 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lấy dẫn chứng từ các thương hiệu quốc gia nổi tiếng trên thế giới như hoa tuy líp Hà Lan, cà phê Braxin, sâm Hàn Quốc…để chỉ ra điểm yếu một số sản phẩm của ngành nông nghiệp chưa có thương hiệu, chưa xây dựng thương hiệu mang tính quốc tế.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tới đây cần phải xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực chế biến để thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm nông sản.
Thực tế, chúng ta đã nhắc tới câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt nhiều năm qua. Nhưng có thể thấy chúng ta mới chỉ tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng thương hiệu một số mặt hàng chủ lực: Gạo, cà phê, cá tra và tôm; hướng dẫn xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương, nhằm bảo hộ và đăng ký thương hiệu nông sản Việt Nam.
Ở cấp Trung ương, đến nay, một số thương hiệu nông sản xuất khẩu có giá trị cao và đảm bảo được tính liên kết theo chuỗi của mặt hàng từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã được triển khai hoặc đang trong quá trình xây dựng.
Cụ thể như, với mặt hàng gạo, thương hiệu quốc gia Gạo Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE; tổ chức công bố Logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam và ban hành Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng thương hiệu cà phê chất lượng cao, thương hiệu các mặt hàng thủy sản (tôm, cá tra) đang được chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt.
Tuy vậy, đến nay, những hoạt động nói trên chỉ mới thực hiện được một số mặt hàng nông sản, chưa bao quát được các sản phẩm thế mạnh của toàn ngành “nông nghiệp”. Các sản phẩm nông sản có thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế còn rất khiêm tốn. Phần lớn nông sản trong nước được xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến và không có thương hiệu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nhận định, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực cũng đã có chủ trương, song kết quả chưa được bao nhiêu. Thậm chí một số mặt hàng được xem là chủ lực như cà phê, hồ tiêu…dù xuất khẩu lớn nhưng xây dựng thương hiệu còn “mờ nhạt”, chưa “đến đầu đến đũa”.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, ý thức xây dựng chiến lược thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất kém, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Theo đó, chỉ có khoảng 32% doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có chiến lược cụ thể, 45% không có chiến lược rõ ràng.
Cần chiến lược bài bản
Theo vị chuyên gia, nền kinh tế hội nhập càng sâu, việc xây dựng thương hiệu càng quan trọng. Do đó, cần phải xây dựng chiến lược thương hiệu, kết hợp giữa xây dựng, bảo vệ và khuếch trương thương hiệu.
“Tôi cho rằng quan niệm về thương hiệu của các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý cấp địa phương chưa đúng. Họ quan niệm chỉ cần sản phẩm có bao bì đẹp, tên tuổi nổi một chút, chịu khó quảng cáo trên truyền hình, tờ rơi, có mặt ở vài hội chợ, lễ hội trái cây… đã là có thương hiệu. Trong khi thực chất đã gọi là thương hiệu phải tìm câu trả lời từ phía khách hàng xem khách hàng thực sự suy nghĩ, đánh giá về sản phẩm đó như thế nào. Muốn có thương hiệu, sản phẩm đòi hỏi phải chất lượng, tiện lợi, luôn đổi mới, bổ sung thêm những giá trị mới. Ngoài ra, dịch vụ trước, trong và sau bán hàng của doanh nghiệp phải tốt,…”, chuyên gia Phạm Tất Thắng chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Meet More Coffee cho rằng cần đề cao chế biến sâu, để phát triển giá trị gia tăng. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với thị trường nội địa và quốc tế.
Theo ông Luận, cà phê nông sản Việt là một sản phẩm khác biệt, giúp giải nhiều bài toán, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ nông sản như hiện nay. Tuy nhiên, việc làm này hiện mới chỉ dừng ở mức tự phát và thiếu yếu tố mang tính bền vững.
Để thay đổi, ông Luận kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu và khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng. Đồng thời xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn cho việc tuyên truyền “Người Việt Nam tự hào sử dụng hàng Việt”.
Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản, phát triển hệ thống phân phối ở các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau để đầu tư khoa học – công nghệ từng bước hạn chế xuất khẩu thô, chuyển dần sang chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…
Chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản của Việt Nam rất cần phải có một đầu mối chung, đó chính là khai thác được thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với các chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những định hướng mà rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã làm
Cụ thể, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Chúng ta cần hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm với các mặt hàng xuất khẩu thông qua việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Phát triển các kênh bán hàng ngay tại thị trường xuất khẩu”.
Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà phải được thực hiện ở quy mô, tầm cỡ quốc gia. Để tạo lập giá trị bền vững, thương hiệu nông sản cần được gắn với chỉ dẫn địa lý mang hình ảnh quốc gia, địa phương qua đó tạo sự khác biệt hoá và nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường xuất khẩu, tổ chức công tác thu thập, xử lý thông tin và xúc tiến thương mại thực chất, hiệu quả tránh theo phong trào. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chú trọng giới thiệu hàng hoá để thâm nhập thị trường nước ngoài.
Đồng thời xây dựng, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu hàng hoá và thương hiệu doanh nghiệp, phát triển thương hiệu quốc gia kết hợp hình ảnh quốc gia với các sản phẩm đặc thù và có thế mạnh của Việt Nam.
Thy Hằng